Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học > Quy tắc nhập liệu > Ngữ pháp và chính tả
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học



Quy tắc nhập liệu

Ngày nay, công nghệ thông tin là công cụ không thể thiếu để xử lí hầu hết mọi loại văn bản. Do đó, việc hệ thống hoá các quy tắc nhập liệu rất cần được thống nhất trong phạm vi cả nước. Rất tiếc là hiện nay, trong cơ sở dữ liệu 5544 bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cập nhật trong tổng số gần 8000 bộ đã ban hành, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy bộ tiêu chuẩn nào dành cho các quy tắc nhập liệu. Tham khảo các sách, báo khác nhau thì có một số quy tắc gần như thống nhất, nhưng có rất nhiều chi tiết mà mỗi nơi dùng theo một kiểu. Trong thời gian chờ đợi sự thống nhất "trong mơ" đó, chúng tôi cố gắng thống kê lại những quy tắc được đánh giá là phổ biến nhất và hợp lí nhất với môi trường ngôn ngữ Việt Nam, có đối chiếu với các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế thông dụng.

Quy tắc nhập liệu cũng giống như toàn bộ các vấn đề ngữ pháp, chính tả tiếng Việt, cho đến nay vẫn còn được tranh luận và chưa có dấu hiệu ngã ngũ. Việc này nói chung là nằm ngoài phạm vi của giáo trình, và chúng tôi cũng không có đủ trình độ và quyền hạn để lạm bàn. Tuy nhiên, đánh giá ở góc độ khách quan, mỗi nhà nghiên cứu khi sử dụng tiếng Việt cần cố gắng tối đa để giữ được sự thống nhất về các quy tắc ngôn ngữ căn bản. Trong bối cảnh khoa học, kĩ thuật và công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, và trong tình hình tiếng Việt chưa có được vị trí tương xứng trong nhà trường, lại nhiều khi bị sử dụng trên báo chí, trên truyền hình và trên Mạng một cách tuỳ tiện đến mức trở nên méo mó và dị dạng, mỗi người Việt Nam, mỗi nhà khoa học, mỗi cơ quan, tổ chức,... cần có một thái độ đúng đắn để giúp tiếng Việt giữ được linh hồn của nó và phát triển ngày càng giàu đẹp, hoặc ít nhất là không làm cho nó lộn xộn và xấu đi. Gần 50 năm trước, Louis De Broglie đã đặt ra những vấn đề của tiếng Pháp khoa học, mà tình hình hiện nay ở Việt Nam chúng ta hầu như là một bản sao:

Về đầu trang

Chắc chắn rằng trong thời đại của chúng ta, hơn bất cứ thời đại nào khác, ngôn ngữ phải phát triển và phải nhanh chóng được làm giàu bằng các từ mới cho phép diễn tả được sự tiến triển nhanh chóng của tri thức và khả năng hành động của chúng ta: mọi thái độ "trong sáng chủ nghĩa" cực đoan chống lại hệ quả tất yếu của sự tiến bộ văn minh này chỉ có thể đi đến chỗ vỡ nát trước sức mạnh của một dòng chảy không thể quay ngược, và sự từ chối những cố gắng uốn nắn dòng chảy đó chỉ dẫn đến một kết cục tệ hại hơn là tốt đẹp.

Theo ông, ngôn ngữ phải "biến đổi và phát triển hàng ngày" để "diễn tả những khái niệm mà nó du nhập, những hiện tượng mà nó khám phá, những công cụ mà nó phát minh", nhưng điều đó "phải diễn ra một cách hợp lí, giữ được tính tự chủ cũng như bảo lưu được nguồn gốc và linh hồn của ngôn ngữ." Và bài học nửa thế kỉ trước từ một nước phương Tây cho đến nay vẫn đáng được suy ngẫm cho sự phát triển của tương lai tiếng Việt nói chung và tiếng Việt khoa học nói riêng.

Ngữ pháp và chính tả

Vấn đề rèn luyện ngữ pháp tiếng Việt nằm ngoài phạm vi của giáo trình này. Xin tìm đọc các sách hướng dẫn khắc phục lỗi ngữ pháp do các chuyên gia biên soạn. Ví dụ: "Cao Xuân Hạo, Lý Tùng Hiếu, Nguyễn Kiên Trường, Võ Xuân Trang, Trần Thị Tuyết Mai. 2005. Lỗi ngữ pháp và cách khắc phục. Ấn bản thứ hai. Lý Tùng Hiếu hiệu đính. TP. Hồ Chí Minh: Khoa học Xã hội. 318 tr."

Về vấn đề lỗi chính tả cũng tương tự, có thể tìm đọc các sách chuyên về ngôn ngữ. Ở đây chúng tôi gợi ra hai vấn đề chính là cách viết "I" hay "Y" ở cuối từ và cách đặt dấu thanh tiếng Việt.

Về đầu trang
  • Viết "I" hay "Y"?
    • Nhất loạt viết khuôn vần /-i/ bằng I (trừ tên riêng và từ mượn tiếng nước ngoài) trong các âm tiết H-, K-, L-, M-, T-:
      • nhất loạt viết HI, KI, LI, MI, TI, giống như viết BI, CHI, DI, v.v.; 
      • không nên viết HY, KY, LY, MY, TY, cũng như không ai viết BI thành BY, CHI thành CHY, v.v.).
    • Nhất loạt viết khuôn vần /-wi/ (u ngắn) bằng UY:
      • nhất loạt viết QUY, giống như viết HUY, NGUY, TUY, v.v.;
      • không nên viết QUI, cũng như không ai viết NGUY thành NGUI, HUY thành HUI, v.v.);
      • phân biệt với "-ui" như HUI - HUY, LUI - LUY, TUI - TUY,...;
      • thống nhất với "-uy-": HUY # HUYNH, LUY # LUYÊN, QUY # QUYT,...
    • Khi "I" đứng một mình làm thành một từ (hoặc một âm tiết), thì: 
      • nếu là từ Hán-Việt, nên viết "Y", chắng hạn viết Y KHOA, Ỷ THẾ, Ý KIẾN, ..., không viết I KHOA, Í KIẾN...; 
      • nếu là từ thuần Việt, nên viết "I", chẳng hạn viết Ỉ EO, Í ỚI..., không viêt Ỷ EO, Ý ỚI...
  • Dấu thanh đặt ở đâu? 
    • Dấu chỉ ghi trên/dưới nguyên âm, không ghi trên hoặc dưới phụ âm:
      • viết đúng: kĩ, vị, định,...;
      • viết sai: k̃i, ṿi, điṇh,...
    • Dấu chỉ ghi trên/dưới âm chính, không ghi trên hoặc dưới âm đệm:
      • viết đúng: hoà, thuý, quỵ, khoẻ,...;
      • viết sai: hòa, thúy, qụy, khỏe,...
    • Dấu không ghi trên âm cuối:
      • viết đúng: níu, báo, cúi, dạy,...;
      • viết sai: niú, baó, cuí, daỵ,...
    • Nguyên âm đôi: dấu viết trên/dưới nguyên âm thứ nhất nếu nguyên âm đôi ở cuối từ, trên/dưới nguyên âm thứ hai nếu ở giữa từ:
      • viết đúng: kìa, tủa, lửa,...; chiều, tuột, thước,...;
      • viết sai: kià, tuả, lưả,...; chìêu, tụôt, thứơc,....
    • Về vấn đề này, chỉ cần chọn thiết lập phù hợp trên bộ gõ tiếng Việt Unikey là có thể khắc phục được hầu hết các lỗi.
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 15/07/2007