Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học > Thiết kế bài thuyết trình khoa học > Nguyên tắc thiết kế
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học



Thiết kế bài thuyết trình khoa học

Nguyên tắc thiết kế

Sau khi đã chuẩn bị được thông điệp với các ý tưởng chính cần trình bày, thiết kế là cách để biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Cần nhắc lại một lưu ý cơ bản khi thiết kế bài thuyết trình khoa học là: chỉ bắt tay vào thiết kế sau khi đã có một thông điệp được chuẩn bị tương đối chặt chẽ.

Khi bắt đầu thiết kế, lại cần nhớ thêm một nguyên tắc: không sử dụng một yếu tố kĩ thuật vì đặc tính kĩ thuật của nó, mà sử dụng các yếu tố kĩ thuật tuỳ theo mục đích cần đạt được. Việc các đặc tính kĩ thuật trình chiếu bị sử dụng sai mục đích sẽ làm giảm hiệu quả truyền đạt thông điệp chính của bài thuyết trình, đặc biệt là khi người thiết kế không kiểm soát được mức độ khai thác các yếu tố động trong bản phim.

Một cô giáo dạy phổ thông kể rằng trong trường của cô có phong trào thiết kế "giáo án điện tử" bằng PowerPoint, và bài của cô bị tổ bộ môn đánh giá "Trung bình", vì không làm nhạc nền để tạo sự hứng thú cho học sinh (sic!). Khi đem các "giáo án điện tử" có nhạc nền ra để dạy thử, học sinh rất hứng thú và chăm chú... nghe nhạc mà không quan tâm gì đến nội dung bài giảng (?!).

Những nguyên tắc vàng của một bài thuyết trình khoa học là:

  • sáng sủa;
  • mạch lạc;
  • dễ đọc;
  • đơn giản;
  • phù hợp với cử toạ.

Để thiết kế được bài thuyết trình đáp ứng được các nguyên tắc trên, ngoài một thông điệp tốt còn cần phải làm chủ được các quy trình và kĩ thuật sau: sử dụng mẫu thiết kế; sử dụng màu sắc; sử dụng phông chữ; trình bày chữ viết; sử dụng hình ảnh; sử dụng các bảng và hình; sử dụng các sơ đồ; sử dụng các kiểu chuyển bản phim (transition); sử dụng các hiệu ứng động (animation).

Về đầu trang

Sử dụng mẫu thiết kế

Thường phần mềm thiết kế trình chiếu có nhiều bộ mẫu thiết kế khác nhau về phông nền và cách sắp đặt cách thành phần trong bản phim. Những người dùng chuyên sâu có thể tự tạo cho mình những bộ mẫu thiết kế riêng, tuỳ theo từng mục đích thuyết trình. Khi sử dụng các mẫu thiết kế cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

  • chỉ dùng một mẫu duy nhất cho một bài thuyết trình;
  • mẫu sử dụng phải phù hợp với nội dung trình bày, hoặc có thể ưu tiên cho một mẫu "trung tính";
  • lưu ý một số lỗi thiết kế có thể có trong các bộ mẫu được giới thiệu;
  • hạn chế thay đổi phông nền bản phim;
  • thường không có các thành phần gây phân tán sự chú ý của cử toạ.

Sử dụng màu sắc

Ưu tiên sử dụng các nền có màu đồng nhất hơn là nền có màu phân tán hoặc có nhiều thành phần khác chèn vào (hình ảnh, biểu tượng,...). Màu chữ và màu nền cần có độ tương phản tốt để có thể đọc rõ chữ viết và thấy rõ hình ảnh.

Dự kiến trước một sự khác biệt nhỏ (thậm chí nhiều nếu thiết bị chiếu không tốt) về màu sắc trên bản thiết kế so với thực tế qua máy chiếu. Thông thường màu trên máy chiếu nhạt hơn so với bản thiết kế.

Các bộ màu nên và không nên dùng
Về đầu trang

Sử dụng phông chữ

Sử dụng bộ phông chữ tiếng Việt Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001. Nên dùng các kiểu chữ cổ điển tiêu chuẩn, với các kí tự được tách rời rõ ràng với nhau (Arial, Courrier, Tahoma, Times New Roman, Verdana,...).

  • Nên dùng chủ yếu các kiểu chữ không chân (sans serif) như Arial, Tahoma, Verdana cho các bài trình chiếu, vì kiểu chữ có chân (serif) dễ bị mất nét khi phóng lớn, rất khó đọc.
  • Riêng với các đoạn chữ viết tương đối dài, nên dùng kiểu chữ có chân (như Times New Roman).

Hình chữ (đứng, đậm, nghiêng, gạch chân,...) và loại chữ (in thường, in hoa) nên dùng có cân nhắc:

  • chữ in đậm: dùng cho các ý cần nhấn mạnh, nhưng không in đậm quá nhiều;
  • chữ in nghiêng: dùng cho các đoạn trích dẫn nguyên văn và các ví dụ;
  • CHỮ IN HOA: tránh viết in hoa toàn bộ câu, chỉ viết in hoa chữ cái đầu âm tiết theo đúng quy định bình thường;
  • chữ gạch chân: hạn chế, nói chung là không nên dùng.
Về đầu trang

Trình bày chữ viết

Cỡ chữ sử dụng trong bài trình chiếu phải tương đồng từ bản phim này qua bản phim khác, tránh thay đổi kích cỡ một cách tuỳ ý, đặc biệt là các phần tựa của mỗi bản phim hay mỗi mục nội dung.

  • Tựa của bản phim: cỡ chữ khoảng 38-44 pt.
  • Tựa của mỗi mục và chữ viết: cỡ chữ khoảng 24-32 pt.
  • Không nên dùng cỡ chữ quá nhỏ cho thông tin chính (bài thuyết trình), vì cử toạ sẽ không nhìn thấy được từ xa, đồng thời làm mất cân đối bản phim; cũng không sử dụng cỡ chữ quá to cho các thông tin phụ (đầu và chân bản phim) vì làm phân tán sự chú ý của cử toạ.
  • Tên các tác giả được trích dẫn có thể thu nhỏ hơn cỡ chữ đang dùng trong cùng ý.
  • Tuyệt đối không cắt ngang đoạn văn bản từ bản phim trước để tiếp tục trình bày trong bản phim sau.

Vị trí trình bày của chữ viết cần có những lưu ý sau:

  • đặt tựa ngắn gọn, độc đáo;
  • sử dụng bình quân sáu dòng văn bản trong mỗi bản phim;
  • nội dung mỗi dòng cần cô đọng ở những ý cơ bản nhất của ý cần trình bày, không nhất thiết phải viết câu hoàn chỉnh về ngữ pháp mà có thể rút gọn thành một ngữ hay tổ hợp ngữ danh/động từ, và do đó càng nên tránh động tác chép-dán nguyên vẹn bản văn từ bài viết qua bài thuyết trình;
  • sử dụng dấu chấm tròn (thường dùng cho danh sách liệt kê) ở đầu mỗi dòng để dễ phân biệt;
  • không dùng dấu chấm câu ở mỗi cuối dòng;
  • nên giữ đúng cách dàn trang đã lập sẵn trong các bộ mẫu thiết kế;
  • canh biên chữ viết từ trái qua phải;
  • sắp xếp các ý với một khoảng cách đủ rộng và thoáng;
  • không để chữ viết lấn sát ra các biên trên, dưới, trái, phải của bản phim;
  • hạn chế trình bày chữ theo chiều đứng, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 15/07/2007