Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Phương pháp viết tài liệu khoa học > Phát triển ý tưởng dàn ý > Bài chính
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học



Phát triển ý tưởng từ dàn ý

Bài chính

Trong một luận văn khoa học, phần phát triển đề tài thường có các đề mục chính sau: tổng quan tài liệu (khung lí thuyết), vật liệu và phương pháp (khung thực nghiệm), kết quả (mô tả khách quan), thảo luận (phân tích chủ quan).

  • Tổng quan tài liệu: phần này dùng để trình bày phạm vi lí thuyết của đề tài. Thông thường, tổng quan tài liệu có bảy mức độ đề cập theo thứ tự như sau:
    • phân tích lịch sử vấn đề: giới thiệu và phân tích những khía cạnh đã được nghiên cứu và thừa nhận của vấn đề (nhưng không nên đi quá chi tiết vào lịch sử nghiên cứu), xây dựng nền tảng lí thuyết cho đề tài, tìm ra ưu nhược điểm của các nghiên cứu trước, nhận diện vấn đề mà đề tài cần tập trung nghiên cứu (không trùng lắp với các đề tài khác đang thực hiện);
    • xác định vấn đề: phát biểu một cách rõ ràng và cụ thể vấn đề nghiên cứu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành đề tài và, nếu có thể, gợi ra những triển vọng lợi ích khi vấn đề được giải quyết;
    • phân tích sơ bộ triển vọng nghiên cứu: phát biểu các giả thuyết chính và phụ của vấn đề nghiên cứu, tức giả định các mối liên hệ có thể có nhằm tiến hành thực nghiệm hay quan sát, trong đó giả thuyết chính giữ vai trò định hướng trọng tâm nghiên cứu;
    • phát triển các giả thuyết (triển vọng nghiên cứu): mô tả những mục tiêu chính và phụ trong mỗi giả thuyết, nguyên nhân hay nguồn gốc của giả thuyết, nhận diện các mối quan hệ khả thi giữa các yếu tố liên quan và các chỉ tiêu chính cần nghiên cứu;
    • nếu cần thiết, trình bày vắn tắt về cơ sở lí thuyết của các phép tính thống kê, toán học hay vật lí dùng để xử lí số liệu, nhưng không dàn trải hay sao chép lại một cách chi tiết và máy móc;
    • xác định phạm vi nghiên cứu: mô tả phạm vi địa lí hay nhóm đối tượng nghiên cứu, tức các yếu tố do nhà nghiên cứu chủ động lựa chọn để giới hạn khả năng thu thập kết quả;
    • xác định các yếu tố hạn chế: mô tả các yếu tố khách quan làm hạn chế khả năng thu thập kết quả, không do nhà nghiên cứu mong muốn.
Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang
  • Vật liệu và phương pháp: phần này dùng để mô tả phạm vi thực nghiệm của đề tài, có trích dẫn tham khảo đầy đủ để dễ dàng đối chiếu hoặc lặp lại, thường gồm các mục sau:
    • mô tả vị trí nghiên cứu, đối tượng được nghiên cứu, vật liệu được sử dụng, phương thức thu thập mẫu,...;
    • mô tả các dụng cụ, thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu và những hạn chế nếu có;
    • các bước thực hiện nghiên cứu;
    • các kĩ thuật và phương pháp đo đạc, phân tích, xử lí dữ liệu.
Để bài đọc dễ hiểu, các nội dung này nên được trình bày theo từng mục nhỏ tương ứng với các mục trong phần kết quả.
Bài tập tự kiểm tra
  • Kết quả: phần này cần được trình bày một cách hoàn toàn khách quan, với những kết quả thu được từ các vật liệu và phương pháp đã áp dụng.
    • Mô tả tổng quát những gì đã làm, nhưng tránh lặp lại chi tiết như trong phần "Vật liệu và phương pháp". Kết quả cũng phải phản ánh đúng các ý định nghiên cứu đã nêu trong phần mở đầu.
    • Trình bày kết quả một cách rõ ràng: tránh đưa toàn bộ số liệu thu thập được mà không qua bước tổng hợp thành các bảng biểu rõ ràng.
    • Làm nổi bật các kết quả có ý nghĩa; có thể trình bày những kết quả "đối nghịch" vì dù không củng cố giả thuyết đặt ra những chúng vẫn có thể có những ý nghĩa khác; tuy nhiên cần loại bỏ các kết quả không có ý nghĩa hoặc có khả năng gây "nhiễu" thông tin.
    • Trình bày kết quả bằng các bảng và hình (gọi chung cho tất cả các yếu tố đồ hoạ: sơ đồ, hình vẽ, biểu đồ, ảnh,...) thay vì mô tả bằng câu chữ. Mỗi kết quả chỉ biểu diễn hoặc bằng bảng, hoặc bằng hình, không dùng cả hai.
    • Đặt tên hình và bảng theo thứ tự liên tục trong cả bài hoặc trong từng chương (kèm trước bằng số thứ tự chương). Tên bảng đứng trước bảng, tên hình đứng sau hình.
    • Không đưa các diễn giải, ý kiến, nhận định chủ quan vào kết quả.
Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang
  • Thảo luận: phần này thể hiện tri thức và quan điểm khoa học chủ quan của nhà nghiên cứu, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và trí tuệ nhất, đồng thời thể hiện tính độc đáo, tính chất khoa học và tính mới mẻ của đề tài.
    • Người viết phân loại và sắp xếp, phân tích và liên hệ các kết quả để tìm ra các ý nghĩa quan trọng. Điều này thể hiện qua dàn ý chi tiết đã lập, và quá trình phát triển đề tài sẽ hoàn tất việc này.
    • Cần kiểm tra xem các kết quả có phản ánh được các ý định nghiên cứu ban đầu, có xác nhận, củng cố hay bác bỏ các giả thuyết đã nêu. Nội dung thảo luận nhất thiết phải trung thực với kết quả đã có.
    • So sánh các kết quả thu được với các kết quả đã công bố trước đó, với trích dẫn tham khảo đúng quy định, để xem xét trong một bối cảnh rộng và sâu hơn; phân tích, tổng hợp để đưa ra các nhận định về sự tương đồng, phù hợp, bổ sung, hay khác biệt, trái ngược, bác bỏ các kết quả và giả thuyết đã công bố.
    • Nếu khi thảo luận cần sử dụng bảng hoặc hình lấy lại từ các nguồn khác, phải ghi rõ nguồn hoặc trích dẫn tham khảo theo đúng quy định.
    • Từ những quan sát và kết quả cụ thể, nhà nghiên cứu cần phổ quát hoá vấn đề, nếu có thể, nhằm mở ra những khả năng áp dụng trong những trường hợp khác.
    • Nhằm mục tiêu chứng minh giả thuyết đã đặt ra, người viết rất cần sắp xếp các luận đề và luận cứ theo tầm quan trọng tăng dần, nhằm hai lợi ích: vấn đề được chứng minh một cách đầy đủ và sâu sắc dần; người đọc dễ nhớ ý cuối cùng, thường là ý quan trọng nhất, hơn so với nhiều ý được trình bày trước đó.
    • Trong mỗi mục dành cho một ý, có thể chia làm nhiều tiểu mục cho các ý nhỏ. Mỗi luận đề hay luận cứ có thể trình bày trọn vẹn trong một đoạn văn bản. Giữa các đoạn văn bản cần được liên kết một cách nhịp nhàng bằng các từ nối hoặc các ý chuyển tiếp.
Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang

Sau các nội dung trình bày trong phần phát triển đề tài như trên, phần tiếp theo trong phần bài chính là các kết luận rút ra được của đề tài.
  • Kết luận: đây là một trong ba phần quan trọng nhất, cùng với phần mở đầu và phát triển đề tài, của một tài liệu khoa học.
    • Phần kết luận có độ dài tương đương với phần mở đầu, thường không vượt quá 10 % toàn bộ tài liệu.
    • Nội dung của phần kết luận không phải là một bản tóm tắt đơn giản các nội dung đã viết. Trong kết luận không có kết quả hay các diễn giải mới về kết quả. 
    • Phần kết luận trình bày những nhận định tổng hợp từ các ý kiến thảo luận về kết quả thu được, giải đáp các câu hỏi hoặc vấn đề đã gợi ra ở phần mở đầu, và phát biểu kết quả cuối cùng đạt được của đề tài: đóng góp về mặt lí thuyết, khả năng ứng dụng.
    • Có thể đưa ra các đánh giá về những mặt còn hạn chế của đề tài để gợi ý hướng khắc phục hoặc đào sâu nghiên cứu.
    • Cần chú ý về sự hài hoà, tương hợp giữa phần mở đầu và kết luận. Chính vì vậy mà nhà nghiên cứu nên viết hai phần này song song hoặc liên tục nhau trong một khoảng thời gian ngắn (trong vòng một tuần).
    • Từ các kết luận rút ra cho đề tài, trong luận văn khoa học, có một phần được tách ra: khuyến nghị (thuật ngữ do Vũ Cao Đàm [2000] đề nghị). Phần này nhằm đưa ra những khuyến nghị bổ sung về lí thuyết, áp dụng kết quả, những gợi ý về hướng nghiên cứu trong tương lai,...
Bài tập tự kiểm tra
  • Danh mục tham khảo: danh mục tham khảo cần được trình bày theo đúng quy tắc
    • Tốt nhất là nên làm một danh sách các tài liệu tham khảo cơ bản trong quá trình lập dàn ý chi tiết, trình bày sẵn theo đúng quy cách trong danh mục, và gọi trích dẫn chính xác trong các ý chính của dàn ý.
    • Trong quá trình phát triển và hoàn chỉnh bài viết, mọi sự bổ sung hay loại bỏ tài liệu tham khảo hoặc ý trích dẫn đều phải cập nhật ngay trong danh mục (với biểu tham khảo) và trong bài viết (với ý trích dẫn).
    • Luôn nhớ nguyên tắc: tài liệu được trích dẫn trong bài phải đưa ngay vào danh mục tham khảo (nếu chưa có sẵn); và ngược lại, tài liệu đưa vào danh mục tham khảo phải ghi chú ngay ý trích dẫn trong bài viết, ít nhất một lần.
    • Nên dùng chế độ đánh số tự động cho danh mục tham khảo. Nếu trích dẫn theo kiểu số thứ tự thì phải rất cẩn thận khi bổ sung tài liệu tham khảo trong quá trình viết, tốt nhất là dùng một phần mềm chuyên biệt để quản lí trình bày tham khảo. Nếu trích dẫn theo kiểu tác giả-năm thì không cần quan tâm đến sự thay đổi số thứ tự.
    • Nếu số tài liệu tham khảo dưới 100 thì canh biên trái của biểu tham khảo cách sau số thứ tự 0,5 tab (0,63 cm). Nếu số tài liệu tham khảo từ 100 trở lên thì khoảng cách này là 1 tab (1,27 cm). Biên phải của biểu tham khảo cũng được canh đều.
Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 08/07/2007