Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Khai thác thông tin từ tài liệu khoa họcVấn đề chuẩn hoá các quy tắc trình bày tham khảo của Việt Nam > Trích dẫn tham khảo
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học



Vấn đề chuẩn hoá các quy tắc trình bày tham khảo của Việt Nam

Trích dẫn tham khảo

Những vấn đề liên quan đến trích dẫn tham khảo đã được đề cập khá chi tiết trong phần Sắp xếp và trình bày tham khảo, ở đây chỉ lược lại các quy tắc chủ yếu nhất, thường gặp trong khi viết bài báo cáo khoa học.

Để trích dẫn, cần phân biệt "danh mục tham khảo" (reference/référence) và "thư mục" (bibilography/bibliographie). Thư mục dùng để liệt kê các tài liệu đã tham khảo và dùng để xây dựng cơ sở, nền tảng cho việc trình bày tài liệu khoa học mà không nhất thiết phải trích dẫn một cách chặt chẽ trong bài viết (thường gặp ở dạng sách, giáo trình). Các quy tắc dưới đây chỉ áp dụng cho "danh mục tham khảo", tức những tài liệu được tham khảo và có trích dẫn chặt chẽ (thường gặp trong luận văn, luận án, bài báo khoa học).

Quy tắc nền tảng
  • Tài liệu được trích dẫn trong bài viết phải có trong danh mục tài liệu tham khảo (trừ những thông báo cá nhân và kết quả nghiên cứu chưa công bố).
  • Tài liệu liệt kê trong danh mục tham khảo phải có trích dẫn trong bài viết.
  • Chỉ trích dẫn và liệt kê trong danh mục tham khảo những tài liệu đọc được trực tiếp toàn văn.
  • Không trích dẫn cũng như liệt kê trong danh mục những tài liệu không được đọc trực tiếp toàn văn.
  • Cách trích dẫn phải có tính thống nhất trong toàn bộ bài viết và phù hợp với cách trình bày danh mục tham khảo.
Về đầu trang
Các kiểu trích dẫn
  • Trích dẫn nguyên văn: trích lại nguyên vẹn văn bản gốc, tôn trọng từng câu, từng chữ, từng dấu câu được sử dụng trong văn bản gốc
    • mẩu trích dẫn nguyên văn được đặt trong ngoặc kép, chữ nghiêng;
    • thường dùng với cách gọi cước chú hay hậu chú;
    • nếu dùng quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng nặng nề và đơn điệu cho bài viết.
  • Trích dẫn diễn ngữ (paraphrase): trích dẫn thông tin từ một tác giả có tài liệu được tham khảo trực tiếp cho bài viết, nhưng đã dùng kĩ thuật diễn ngữ để tái cấu trúc lại thông tin gốc để có cách diễn đạt khác (đảm bảo trung thành về nội dung)
    • mẩu trích dẫn được đánh dấu gọi tham khảo theo số thứ tự hay theo tên tác giả và năm, thường đặt trong ngoặc đơn;
    • là cách phổ biến trong tài liệu khoa học;
    • khi dùng cần cẩn trọng và chính xác để tránh diễn dịch sai, đảm bảo trung thành với nội dung văn bản gốc.
  • Trích dẫn gián tiếp: khi thông tin có nguồn gốc từ tác giả A, nhưng người viết không đọc trực tiếp tác giả A, mà thông qua một tài liệu của tác giả B
    • mẩu trích dẫn được quy định riêng về cách đánh dấu gọi tham khảo;
    • không liệt kê tài liệu trích dẫn gián tiếp trong danh mục tham khảo;
    • một tài liệu có yêu cầu khoa học càng cao thì càng hạn chế trích dẫn gián tiếp mà phải tiếp cận càng nhiều càng tốt đến các tài liệu gốc;
    • trong thực tế rất thường xuyên bị vi phạm, vì nhiều người tự cho phép lấy tác giả/tài liệu (A) trong danh mục tham khảo của một tài liệu đọc được (B) để đưa vào danh mục tham khảo của mình, dù không đọc được toàn văn tài liệu đó (A).
Về đầu trang
Cách ghi trích dẫn và gọi tham khảo

Cách ghi trích dẫn và đánh dấu gọi tham khảo phải thống nhất trong toàn bộ bài viết và phù hợp với cách trình bày danh mục tham khảo.

  • Kiểu đánh số thứ tự: là biến thể từ kiểu Vancouver, với cách sử dụng dấu của Việt Nam
    • ngay sau mẩu trích dẫn (kể cả văn bản, bảng biểu, hình ảnh), số gọi tham khảo được đặt trong ngoặc đơn;
    • số gọi tham khảo của tài liệu tương ứng với số trong danh mục tham khảo;
    • khi một ý dẫn từ nhiều tài liệu, tất cả các số gọi tham khảo được đặt trong một cặp ngoặc đơn, giữa các số cách nhau bằng một dấu chấm phẩy và một khoảng trắng, nếu có dãy 3 số liên tục trở lên thì dùng dấu gạch nối giữa số đầu và số cuối;
    • nếu một tài liệu cần dẫn số trang cụ thể thì bổ sung số trang đó ngay sau số gọi tham khảo, cách bằng dấu phẩykhoảng trắng.
Ví dụ:
    • Smith (10) đã cho rằng…
    • Đã có nhiều cố gắng thay thế thí nghiệm ủ trên chuột bằng các thí nghiệm in vitro, như các kĩ thuật ELISA (57; 60) hay PCR (20-22) nhưng tất cả vẫn chỉ mới dừng lại ở mức độ thể nghiệm.
    • Moir và Jessel bảo lưu quan điểm rằng “giới tính có thể hoán chuyển được” (1).
Về đầu trang
  • Kiểu tác giả - năm: là cách được sử dụng ngày càng phổ biến khi trích dẫn tham khảo trong bài viết khoa học, với nhiều quy định chi tiết như dưới đây, trong đó quy tắc trước sẽ có giá trị áp dụng bên trong các quy tắc sau:
    • ngay sau mẩu trích dẫn (kể cả văn bản, bảng biểu, hình ảnh), gọi tham khảo bằng tên tác giảnăm xuất bản đặt trong ngoặc đơn, cách nhau bằng một dấu phẩy và một khoảng trắng,
      • tác giả Việt Nam ghi họ tên đầy đủ,
      • tác giả nước ngoài chỉ ghi phần tên nhận diện, không ghi tên tắt,
      • không cần dẫn lại số thứ tự trong danh mục tham khảo,
      • nếu cần chú thích rõ số trang thì thêm "p." (tiếng nước ngoài) hoặc "tr." (tiếng Việt) và số trang;
    • nếu một tài liệu của nhiều tác giả, giữa các tác giả cách nhau bằng dấu phẩy, khoảng trắng;
    • nếu tên tác giả đã được xen trong đoạn/câu văn bản có mẩu trích dẫn, chỉ cần ghi năm trong ngoặc đơn, ngay sau tên tác giả;
    • khi một ý dẫn từ nhiều tài liệu, tất cả các "cặp tác giả - năm" được đặt trong một cặp ngoặc đơn, giữa các "cặp tác giả -năm" cách nhau bằng một dấu chấm phẩy và một khoảng trắng,
      • không dùng liên từ "" để nối hai tác giả sau cùng, cả trong trích dẫn lẫn trong danh mục tham khảo,
      • trong một tài liệu (tức "cặp tác giả - năm") nếu có nhiều tác giả thì áp dụng quy tắc dấu phẩy cách giữa các tác giả;
    • nếu nhiều tài liệu của cùng một (nhóm) tác giả, chỉ liệt kê tên (nhóm) tác giả đó một lần, các năm xuất bản được liệt kê (cách nhau dấu phẩy, khoảng trắng) trước dấu chấm phẩy kết thúc tác giả;
    • nếu nhiều tài liệu cùng năm của một (nhóm) tác giả, các năm được kèm kí hiệu a, b, c,... theo đúng như trong danh mục tham khảo;
    • nếu một tác giả đứng đầu nhiều tài liệu với nhiều nhóm tác giả khác nhau,
      • hai người: ghi đủ hai người, với các quy tắc như trên,
      • ba người: lần đầu trích dẫn ghi tên cả ba người cùng với năm xuất bản, từ lần trích dẫn thứ hai trở đi, chỉ ghi tác giả đầu kèm với "và cộng sự" (tiếng Việt, có thể viết tắt "và cs.") hoặc "et al." (tiếng nước ngoài, gốc Latin, chữ nghiêng),
      • bốn người trở lên: chỉ ghi tác giả đầu kèm với "và cộng sự" (hoặc "và cs.", "et al.") trong mọi mẩu trích dẫn;
    • nếu trích dẫn gián tiếp: ghi tên và năm tác giả gốc (A) giống như quy định ở trên, nhưng ngay sau "năm" đó, thêm "trong" hoặc "in" (hai chấm, khoảng trắng) rồi đến tên và năm của tác giả được đọc trực tiếp (B);
    • nếu tài liệu tham khảo là thông báo cá nhân hay kết quả chưa công bố thì thay cho năm xuất bản chỉ ghi rõ "thông báo cá nhân" hay "kết quả chưa công bố".

Ví dụ:

  • Mô nuôi cấy có thể trực tiếp tạo phôi thể hệ, gọi là “sinh phôi trực tiếp” (Bùi Trang Việt, 2000).
  • Theo Zimmerman (1993), mô nuôi cấy tương đối trẻ có khả năng tạo phôi cao nhất.
  • [...] liên quan đến sự biểu hiện của một số gen đáp ứng stress (Fehér, Pasternak, Dudits, 2003).
  • Quang hô hấp làm giảm mạnh hiệu suất quang hợp, có thể đến 40 % (Bùi Trang Việt, 2002, 2003; Albert, 2002; Heller, Esnault, Lance, 1998; Karp, 2004).
  • Nhà ở công cộng vẫn là một khu vực bị lãng quên (ACOSS, 1997a, 1997b).
  • [...] đã được ghi nhận bởi Choi và cộng sự (1998), cũng như khi có mặt của các PGR khác (Sagare et al., 2000).
  • [...] phát sinh hình thái một cách bình thường (Schiavone, Cooke, 1987, in: Zimmerman, 1993; Liu, Xu, Chua, 1993).
  • [...] phôi cầu phình to mà không chuyển sang giai đoạn kế tiếp (Schiavone, Cooke, 1987, trong Zimmerman, 1993).
Bài kiểm tra đầu ra
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007