Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học > Sắp xếp và trình bày tham khảo > Trích dẫn tham khảo
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học



Sắp xếp và trình bày tham khảo

Trích dẫn tham khảo
Khái quát

Một mẩu trích dẫn tham khảo là một câu hay đoạn văn được rút ra từ một tài liệu khác để minh hoạ, bảo vệ quan điểm, ý kiến trong bài viết của mình. Và điều bắt buộc khi trích dẫn tham khảo một thông tin là phải dẫn ra nguồn cung cấp thông tin đó. Điều bắt buộc này không có ngoại lệ cho bất cứ nguồn thông tin nào: sách, bài báo, bách khoa thư, tài liệu nghe nhìn, các trang web, v.v. cũng như loại thông tin nào: ý kiến, nhận xét, thảo luận, kết luận, hình ảnh, bảng số liệu,...

Có hai hình thức trích dẫn tham khảo. Mẩu trích dẫn được gọi là nguyên văn khi được sao chép lại như nguyên bản trong tài liệu gốc. Còn nếu nội dung trích dẫn dưới dạng diễn đạt lại thông tin gốc bằng một cách khác mà vẫn đảm bảo giữ nguyên ý nghĩa thì mẩu trích dẫn đó được gọi là diễn ngữ (paraphrase). Cả trong trích dẫn nguyên văn hay trích dẫn diễn ngữ, tác giả hoặc nguồn tài liệu gốc đều phải được ghi rõ ngay sau thông tin vừa dẫn.

Các lí do trích dẫn

Ngoài những lí do đã nêu trong phần mở đầu, trích dẫn tham khảo còn có ý nghĩa:

    • tăng giá trị đề tài nghiên cứu: nhờ có đối chiếu, tham khảo, so sánh,... với các nguồn tài liệu từ bên ngoài, và thể hiện rõ nguồn gốc các thông tin thu thập được, các phương pháp được áp dụng, các ý tưởng giúp định hướng, bổ sung, điều chỉnh quá trình thực hiện đề tài,...;
    • phát triển năng lực nghiên cứu: nhờ quá trình tìm kiếm và chọn lọc những thông tin có chất lượng, giúp làm tăng khả nặng tự học, tự tìm kiếm thông tin và khai thác thông tin;
    • bồi dưỡng ý thức đạo đức nghề nghiệp.
Về đầu trang
Các phương pháp trích dẫn

Có một số phương pháp trích dẫn sau đây:

  • gọi cước chú: các đoạn trích trong bài được đánh số "gọi cước chú" (call to footnote/appel de note de bas de page), và biểu chú dẫn (footnote/note de bas de page) được ghi ngay dưới chân trang,
    • thường dùng trích dẫn nguyên văn: số gọi chú dẫn nằm ngay sau dấu câu cuối cùng và trước dấu ngoặc kép đóng mẩu trích dẫn,
    • số gọi chú dẫn được treo liền kề mẩu trích dẫn dưới dạng luỹ thừa, không có ngoặc đơn,
    • số gọi chú dẫn có thể được đánh theo thứ tự trong từng trang hay liên tục giữa các trang,
    • biểu chú dẫn gọi lần đầu hoặc lần duy nhất được ghi theo quy định trình bày danh mục tham khảo, có kèm theo số trang ở sau cùng,
    • khi gọi chú dẫn về một tác giả đã dẫn liền trước đó, biểu chú dẫn chỉ ghi "ibid." (gốc Latin ibidem, nghĩa là "ở chỗ đã chỉ ra trong mẩu trích dẫn trước") và số trang, cách nhau bằng dấu phẩy,
    • khi gọi chú dẫn về một tác giả có một tài liệu đã dẫn rồi (không liền trước), biểu chú dẫn ghi tên tác giả và "op. cit." (gốc Latin opere citato, nghĩa là "tài liệu đã dẫn"), dẫn số trang sau cùng,
    • khi gọi chú dẫn về một tác giả có nhiều tài liệu đã dẫn rồi, biểu chú dẫn ghi tên tác giả, tóm tắt nhan đề tài liệu được dẫn (hoặc năm xuất bản, tuỳ kiểu danh mục tham khảo) và "op. cit.", dẫn số trang sau cùng,
    • tất cả các tài liệu được trích dẫn đều có trong một danh mục tham khảo cuối bài;
  • gọi hậu chú: một kiểu khác của cách gọi cước chú,
    • tất cả các biểu chú dẫn được tập trung ở cuối bài,
    • số thứ tự được đánh liên tục,
    • biểu chú dẫn được ghi theo quy định trình bày danh mục tham khảo;
Về đầu trang
  • kiểu Vancouver (Vancouver style): đây là một kiểu truyền thống, đã sử dụng từ rất lâu trong các ấn bản khoa học, còn gọi là "hệ thống thứ tự trích dẫn",
    • mẩu trích dẫn được đánh số theo thứ tự trích dẫn trong bài viết,
    • số được đặt trong ngoặc đơn, liền sau mẩu trích dẫn,
    • nếu có nhiều tài liệu được trích dẫn cho cùng một ý, dùng dấu phẩy (không có khoảng trắng) giữa các số,
    • nếu có dãy 3 số liên tục trở lên thì dùng dấu gạch nối (không có khoảng trắng) giữa số đầu và số cuối của dãy,
    • các tài liệu có trích dẫn trong bài viết được xếp trong danh mục tham khảo cuối bài, theo đúng thứ tự trích dẫn,
    • biểu tham khảo (bibliographic record/notice bibliographique) được ghi theo quy định riêng của kiểu Vancouver.
  • kiểu Harvard (Harvard style): đây là một kiểu trích dẫn đang được sử dụng ngày càng phổ biến, còn được gọi là "hệ thống tác giả - năm"),
    • danh mục tham khảo kiểu Harvard được xếp theo thứ tự chữ cái tên tác giả (với các tác giả phương Tây là family name/nom de famille), không cần đánh số thứ tự,
    • mẩu trích dẫn được chú thích liền phía sau bằng tên tác giả và năm xuất bản tài liệu, trong ngoặc đơn,
    • nếu mẩu trích dẫn kiểu diễn ngữ với tên tác giả là một thành phần trong câu, năm xuất bản của tài liệu đó sẽ được đặt trong ngoặc đơn liền sau tên tác giả,
    • nếu một tài liệu của một tác giả, ghi tên tác giả (không ghi phần tên viết tắt) trong ngoặc đơn và năm xuất bản, cách nhau bằng khoảng trắng (không có dấu phẩy), nếu cần thì chỉ rõ số trang,
    • nếu mẩu trích dẫn có nguồn gốc từ một tác giả A, nhưng không đọc trực tiếp tác giả A mà biết thông qua tác giả B, ghi trong ngoặc đơn tên tác giả A và năm xuất bản tài liệu của tác giả A (không được đọc trực tiếp), đi kèm theo sau bằng "in: " cùng với tên và năm xuất bản của tác giả B (được đọc trực tiếp),
    • nếu một tài liệu của hai tác giả, ghi tên hai tác giả trong ngoặc đơn, nối bằng dấu "&", và năm xuất bản sau tên tác giả thứ hai, không có dấu phẩy,
    • nếu một tài liệu của ba tác giả, lần đầu tiên trích dẫn ghi tên ba tác giả, nối hai tác giả đầu bằng dấu phẩy, tác giả thứ ba bằng dấu "&", năm xuất bản sau tên tác giả cuối cùng, không có dấu phẩy,
    • tài liệu của ba tác giả ở lần trích dẫn thứ hai, và tài liệu của bốn tác giả trở lên, ghi tên tác giả đầu và "et al." (gốc Latin et alli, nghĩa là "và những người khác") và năm xuất bản;
    • nếu một mẩu trích dẫn từ nhiều tài liệu của một người/nhóm, ghi tên người/nhóm đó trong ngoặc đơn, theo sau bằng năm xuất bản của tất cả các tài liệu theo đúng thứ tự và cách ghi trong danh mục tham khảo, giữa các năm cách nhau bằng dấu phẩy (nhưng chỉ là khoảng trắng giữa năm đầu tiên và tác giả sau cùng),
    • nếu mẩu trích dẫn có nguồn gốc từ nhiều tài liệu, tất cả các tác giả tài liệu được ghi trong một cặp ngoặc đơn liền sau, giữa mỗi tác giả/nhóm tác giả của một tài liệu cách nhau bằng dấu chấm phẩy, cách ghi tên tác giả và năm xuất bản cho mỗi người/nhóm giống như trên;
Về đầu trang
  • kiểu hỗn hợp thứ tự số - chữ cái: cũng là một biến thể của kiểu Harvard,
    • danh mục tham khảo trình bày theo thứ tự chữ cái như kiểu Harvard, nhưng có đánh số thứ tự,
    • khi trích dẫn, không ghi tên tác giả và năm, chỉ ghi (trong ngoặc đơn hoặc ngoặc vuông) số thứ tự trong danh mục tham khảo, tương tự như kiểu Vancouver.
Khi nào trích dẫn và khi nào không trích dẫn?

Dù có quy định chi tiết, nhưng không phải luôn trích dẫn bất kì thế nào. Nên trích dẫn để:

  • bảo vệ quan điểm, luận cứ khoa học;
  • nêu ví dụ, kết quả đã được kiểm chứng, thừa nhận;
  • tóm tắt các ý kiến, giả thuyết, kết luận của các tác giả khác.

Không nên trích dẫn:

  • những chi tiết nhỏ;
  • nguyên văn các đoạn dài vốn có thể tóm tắt ngắn gọn hoặc lược bỏ các ý không cần thiết;
  • những ý có thể tự diễn đạt mà không lấy từ ý tưởng của người khác;
  • những kinh nghiệm, ghi nhận, ý kiến của bản thân (trừ khi từ các tài liệu đã công bố);
  • những kiến thức đã trở thành phổ thông.
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007