Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Khai thác thông tin từ tài liệu khoa họcVấn đề chuẩn hoá các quy tắc trình bày tham khảo của Việt Nam > Danh mục tham khảo
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học



Vấn đề chuẩn hoá các quy tắc trình bày tham khảo của Việt Nam

Danh mục tham khảo

Cấu trúc chung

Hiện nay các quy định hiện hành ở Việt Nam đa số đều có xu hướng trình bày theo hệ thống tác giả-năm. Tuy nhiên, hầu như chưa có bản quy định nào quy định đủ chi tiết hoặc làm rõ một cấu trúc chung mà một biểu tham khảo cần có trong tài liệu khoa học (mà không phải trong biểu ghi thư viện).

Một biểu tham khảo được trình bày nhằm giúp người đọc trả lời được các câu hỏi vắn tắt sau về tài liệu được dẫn: Ai? Khi nào? Cái gì? Ở đâu?

Mỗi biểu tham khảo luôn có nhiều dẫn tố, trong đó có một số dẫn tố gom với nhau thành từng nhóm. Ví dụ: các tác giả; tựa và tựa phụ; nhà xuất bản và nơi xuất bản; các thông tin ấn loát (tập, số, trang).

Theo xu hướng chung, hệ thống tác giả-năm ngày càng trở nên phổ biến, trên nền tảng các quy định của kiểu Harvard. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của kiểu Harvard là dấu ngăn cách giữa các nhóm dẫn tố rất "yếu" và không rõ ràng: tất cả các dẫn tố đều được ngăn cách bằng dấu phẩy, kể cả trong cùng một nhóm hay giữa các nhóm khác nhau, thậm chí ngay bên trong một dẫn tố (tên nhận diện và tên tắt). 

Trong khi đó, chuẩn ISO 690 quy định rất rõ là cần có một sự ngăn cách "mạnh" (dấu chấm và khoảng trắng) và rõ ràng giữa các nhóm dẫn tố khác nhau, để phân biệt với các dẫn tố thuộc cùng nhóm.

Một vấn đề khác là có quy định đặt năm xuất bản trong dấu ngoặc đơn. Đây không phải là quy định của kiểu Harvard. Việc sử dụng dấu ngoặc đơn cho năm xuất bản không gây ra vấn đề gì lớn, nhưng chỉ làm giảm độ đồng nhất của biểu tham khảo và tăng sự phức tạp trong khâu kĩ thuật.

Về đầu trang

Căn cứ các yêu cầu theo chuẩn ISO 690, có thể trình bày một biểu tham khảo theo cấu trúc chung, với ít nhất các thành phần cơ bản theo thứ tự như sau:

Số thứ tự (chấm, khoảng trắng) Tác giả (chấm, khoảng trắng) Năm (chấm, khoảng trắng) Nhan đề (chấm khoảng trắng) Cơ quan xuất bản (phẩy, khoảng trắng) Thông tin ấn loát (chấm)
Xem hình minh hoạ

Giữa các dẫn tố trong cùng nhóm sẽ có những quy định riêng về cách viết và dấu ngăn cách (sử dụng các dấu "nhẹ hơn" như phẩy, chấm phẩy, hai chấm, gạch nối, ngoặc đơn), tuỳ loại tài liệu cụ thể. 

Đối với các dẫn tố cần chú thích thêm cho rõ thông tin gốc thì có thể bổ sung nội dung chú thích trong ngoặc vuông, ngay sau dẫn tố đó. Xem thêm trong quy định của chuẩn ISO.

Về đầu trang
Số thứ tự

Đánh số thứ tự tăng dần từ 1, và liên tục cho đến hết danh mục, dù danh mục có thể được chia thành nhiều phần khác nhau. Số thứ tự nên được in đậm.

Có xu hướng đặt số thứ tự trong dấu ngoặc vuông, hoặc thụt biên các dòng từ thứ hai trở đi vào trong. Tuy nhiên, cách đơn giản nhất về kĩ thuật, và đồng nhất trong toàn bộ biểu tham khảo, đó là:

  • dùng dấu chấm sau số thứ tự;
  • sau dấu chấm, thụt vào nửa tab (0,63 cm) khi tổng số tài liệu nhỏ hơn 100, thụt vào một tab (1,27 cm) khi tổng số tài liệu từ 100 trở lên;
  • sau dấu tab, cả dòng đầu và phần còn lại của đoạn (paragraph/ paragraphe) được canh biên trái bằng với vị trí tab.
Nhóm dẫn tố tác giả

Tác giả ở đây là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của phần tài liệu được tham khảo (nếu tham khảo toàn bộ một ấn bản, ví dụ sách, chuyên khảo, luận án, thì cũng chính là tác giả của tài liệu). Với tác giả Việt Nam, họ và tên được viết đầy đủ, không viết tắt. Với tác giả nước ngoài, giữa các phần tên nhận diện (họ - family name/nom de famille) và tên tắt chỉ dùng một khoảng trắng để ngăn cách. Tên nhận diện viết trước, tên tắt viết sau (không có dấu chấm sau mỗi chữ viết tắt). 

  • Trường hợp tên tắt có thể gây nhầm lẫn với tác giả khác thì ngay sau mỗi chữ tắt bổ sung phần chú thích đầy đủ đặt trong ngoặc vuông (không có khoảng trắng). Ví dụ: Pierre V[éronique], Crane R[onald]S,...

Nếu có từ hai tác giả trở lên, giữa hai tác giả liền nhau cách nhau bằng dấu phẩy và khoảng trắng. Dù tài liệu có nhiều tác giả, phải ghi đầy đủ tất cả các tác giả được liệt kê trong tài liệu gốc.

  • Có xu hướng sử dụng liên từ "" giữa hai tác giả sau cùng. Tuy nhiên, cách dùng này có thể gặp nhiều rắc rối khi sử dụng các tài liệu tiếng nước ngoài: giữ nguyên hay dịch "and" (tiếng Anh), "et" (tiếng Pháp) thành "và" trong mẩu trích dẫn (bài viết) và trong danh mục tham khảo?

Nếu tác giả là một cơ quan/tổ chức, xếp tên cơ quan/tổ chức đó theo chữ cái đầu tiên. Nếu tài liệu không có tên tác giả thì lấy nhan đề phần tài liệu được tham khảo lên đầu, trước năm xuất bản. Có thể in đậm tên tác giả nhằm làm nổi bật từng biểu tham khảo.

Về đầu trang
Dẫn tố năm xuất bản

Năm xuất bản được viết bình thường với đầy đủ các chữ số, tốt nhất là không có dấu ngoặc đơn để đồng bộ với các nhóm dẫn tố khác, và đơn giản hoá vấn đề kĩ thuật nhập liệu.

Nếu cùng một tác giả hay nhóm tác giảnhiều tài liệu trong một năm, liền sau năm xuất bản sẽ thêm các số thứ tự a, b, c,... (chữ thường, đứng), theo trình tự thời gian tăng dần giữa các tài liệu (nếu phân biệt được), hoặc theo thứ tự trích dẫn trong bài viết, hoặc theo thứ tự chữ cái của nhan đề.

  • Một tác giả đứng đầu với các (nhóm) tác giả khác nhau
Nhóm dẫn tố nhan đề

Nhan đề ở đây là tựa của phần tài liệu được tham khảo. 

  • Nếu tài liệu là ấn bản không liên tục (sách, chuyên khảo, báo cáo kĩ thuật, luận án,...) mà những ý được trích dẫn lấy từ toàn bộ tài liệu thì dẫn tố này gồm tựa tài liệu (chữ nghiêng) và các thông tin ấn bản đi kèm:
    • nếu có tựa phụ, viết cách với tựa chính bằng (khoảng trắng, hai chấm, khoảng trắng);
    • nếu là tài liệu tái bản lần thứ n, viết "Ấn bản thứ n+1" sau tựa tài liệu tiếng Việt (cách bằng dấu chấm, khoảng trắng);
    • với tài liệu tiếng nước ngoài, viết tắt số ấn bản bằng "Edn" (nguyên ngữ của tài liệu gốc);
    • nếu sách có đánh số bộ, tập thì cũng ghi tương tự, với chữ viết tắt "T." cho "tập" và "Vol." cho "volume";
    • với luận văn, luận án, báo cáo kĩ thuật,... viết kèm sau nhan đề tên cấp độ đề tàisố kí hiệu nếu có (cách trước bằng dấu chấm, khoảng trắng).
  • Nếu phần tham khảo là một phần riêng biệt trong sách, chuyên khảo, báo cáo hội nghị... thì nhóm dẫn tố bày bao gồm hai phần: tựa của phần được tham khảo và tựa của tài liệu (đi kèm với các thông tin ấn bản).
    • Sau tựa của phần được tham khảo là một dấu chấm và một khoảng trắng.
    • Tiếp theo đó là "In" (chữ nghiêng, tài liệu tiếng nước ngoài) "Trong" (chữ đứng, tài liệu tiếng Việt) (hai chấm, khoảng trắng).
    • Tiếp theo, nếu tài liệu có người chủ biên, thì viết tên chủ biên hoặc các chủ biên (phẩy, khoảng trắng).
      • Viết tắt: "(chb.)" cho chủ biên của tài liệu tiếng Việt, "(ed.)" cho một người chủ biên của tài liệu tiếng nước ngoài, "(eds)" cho từ hai chủ biên trở lên, sau tên người chủ biên sau cùng.
    • Tiếp theo là nhan đề của tài liệu chính (chữ nghiêng).
      • Nếu phần tham khảo là sách, chuyên khảo thì nhan đề tài liệu chính là tựa sách (chữ nghiêng).
      • Nếu phần tham khảo là một bài báo cáo hội nghị, nhan đề tài liệu chính là tên hội nghị (chữ nghiêng), nơi và thời gian diễn ra hội nghị.
  • Nếu phần tham khảo là một bài báo, dẫn tố này chính là tựa bài báo.
  • Kết thúc nhóm này bằng một dấu chấm và một khoảng trắng.
Về đầu trang
Nhóm dẫn tố cơ quan xuất bản

Đây là cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản nội dung tài liệu được tham khảo. 

  • Nếu tài liệu là sách, chuyên khảo hay báo cáo hội nghị (được xuất bản): nhóm dẫn tố này gồm Nơi xuất bản (hai chấm, khoảng trắng) Tên nhà xuất bản (bỏ hết các cụm từ "nhà xuất bản", "Inc.", "Ltd.",...).
  • Nếu tài liệu là báo cáo kĩ thuật, luận án,... thì nơi chịu trách nhiệm xuất bản chính là trường hoặc cơ quan chủ quản của tài liệu. Cách viết cũng tương tự: Nơi xuất bản (hai chấm, khoảng trắng) Cơ quan chủ quản.
  • Nếu tài liệu là ấn bản liên tục (định kì), nhóm dẫn tố này chỉ có một dẫn tố duy nhất là tựa báo (chữ nghiêng, viết đầy đủ tựa gốc, không nên viết tắt).
  • Kết thúc nhóm này bằng:
    • một dấu chấm (và kết thúc biểu tham khảo) nếu phần được tham khảo là toàn bộ nội dung một ấn bản không liên tục (sách, chuyên khảo, luận văn, luận án, báo cáo kĩ thuật,...)
    • một dấu phẩy và một khoảng trắng trong các trường hợp còn lại.
Về đầu trang
Nhóm dẫn tố thông tin ấn loát

Nhóm này chỉ có mặt khi phần được tham khảo là một "bài" cụ thể trong một ấn bản khoa học mà không phải toàn bộ nội dung ấn bản đó.

Nếu tài liệu là ấn bản không liên tục, tiếp sau nhóm dẫn tố cơ quan xuất bản (cách bằng dấu phẩy, khoảng trắng):

    • với tài liệu bằng tiếng Việt, có thể viết tắt "trang" thành "tr."; với tài liệu tiếng nước ngoài (biễu diễn bằng chữ Latin), viết tắt bằng "p." (không viết "pp.") và một khoảng trắng,
    • tiếp theo là các số trang của phần được tham khảo,
      • nếu các trang không liên tục, liệt kê số của các trang, cách nhau bằng dấu phẩykhoảng trắng,
      • nếu các trang liên tục, dùng dấu gạch nối (không có khoảng trắng nào) giữa trang đầu và trang cuối.

Nếu tài liệu là ấn bản liên tục, tiếp sau nhóm dẫn tố cơ quan xuất bản (tức tựa báo), cách bằng dấu phẩy và khoảng trắng:

  • viết số (bỏ tất cả các phần "volume", "number", "issue", "p.",,...) của tập, số và trang theo cấu trúc: tập (ngoặc đơn mở, không khoảng trắng cả trước lẫn sau) số (nếu có) (ngoặc đơn đóng, hai chấm, khoảng trắng) trang đầu (gạch nối, không khoảng trắng cả trước lẫn sau) trang cuối (chấm hết biểu tham khảo);
  • nếu ấn bản không đánh số "tập", chỉ có "số" thì cũng để "số" trong ngoặc đơn, bỏ dẫn tố "tập" đi;
  • nếu ấn bản không đánh số "tập", "số", thay hai dẫn tố này bằng ngày và tháng phát hành (bằng nguyên ngữ của tài liệu gốc);
  • nếu là bài báo trong số chuyên đề, không thuộc hệ thống phát hành định kì thông thường, cũng viết tương tự, với số hiệu chuyên đề thay cho vị trí "tập" hoặc "số" tương ứng, và số trang phải ghi theo đúng kí hiệu của chuyên đề.

Nói chung, đây chỉ là những gợi ý có tính chất tổng quát, giúp nhận diện dễ dàng các nhóm dẫn tố trong biểu tham khảo của một tài liệu. 

Để áp dụng, nhà nghiên cứu cần tham khảo trước tiên các quy định của cấp quản lí trực tiếp. Khi gặp những trường hợp mà các quy định đó không cho phép biết chính xác quy tắc, thì có thể áp dụng các quy tắc ở đây (có tính đồng nhất cao), để phân tích và có một lựa chọn hợp lí.

Tải bản quy định chi tiết [PDF]
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007