Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Khai thác thông tin từ tài liệu khoa họcVấn đề chuẩn hoá các quy tắc trình bày tham khảo của Việt Nam > Tên tác giả
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học



Vấn đề chuẩn hoá các quy tắc trình bày tham khảo của Việt Nam

Tên tác giả

Trong trích dẫn và trình bày danh mục tham khảo, thể hiện chính xác tên gọi tác giả là một việc quan trọng, không chỉ về mặt quyền sở hữu trí tuệ mà còn liên quan đến các vấn đề tham chiếu, thống kê trích dẫn,...

Tên gọi của tác giả trong các tài liệu khoa học phụ thuộc vào yếu tố xã hội. Có hai nhóm dùng tên gọi khác nhau: dùng họ (family name/nom de famille) chính và tên (first name/prénom) phụ ở các nước phương Tây; và họ phụ và tên chính (như ở nhiều nước châu Á, châu Phi). Để khỏi nhập nhằng, từ đây sẽ dùng khái niệm "tên nhận diện" để chỉ phần tên được dùng làm chính so với phần còn lại.

Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đã từ lâu chấp nhận cách gọi tên nhận diện trong tài liệu khoa học như các nước phương Tây (gọi bằng "họ"). Riêng ở Việt Nam, đây là một vấn đề khó giải quyết, vì cả nước trên có trên 100 họ, cho gần 90 triệu dân, trong đó một vài họ chiếm đa số như Nguyễn, Trần, Lê,... Cả trong giao tiếp hàng ngày lẫn trong lễ nghi, từ lâu ở Việt Nam đã không còn phổ biến thói quen dùng "họ" để gọi tên một cách trân trọng (như "Thủ tướng Nguyễn", "Bộ trưởng Lê", "ngài  giám đốc Trần",...) Và cách xếp tên gọi theo thứ tự chữ cái luôn dùng "tên" làm chuẩn. Và nếu phải viết tắt, thường là giữ nguyên phần "tên" và viết tắt phần còn lại (họ và tên đệm). Nghĩa là, "tên nhận diện" của Việt Nam là phần "tên", ngược lại với các nước phương Tây.

Với các tài liệu khoa học ở Việt Nam, thường phần tài liệu tham khảo được chia thành hai mục: tài liệu tiếng Việt và tài liệu tiếng nước ngoài, với cách xếp thứ tự khác nhau.

  • Tài liệu tiếng Việt: xếp theo "tên", theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt, viết đầy đủ, không đảo lộn thứ tự họ và tên.
  • Tài liệu tiếng nước ngoài: xếp theo "họ" và viết tắt phần còn lại ở phía sau.

Cách này nói chung là giải pháp hợp lí cho các bài viết khoa học trong nước, vì người đọc là người Việt nên dễ dàng hiểu được cách phân loại này. Có một số bản quy định yêu cầu phân chia thành từng nhóm tài liệu bằng mỗi thứ tiếng khác nhau: Anh, Pháp, Nga, Đức, Hoa,..., song dường như điều này không cần thiết lắm!

Riêng với các bài viết đăng ở nước ngoài, hoặc các tài liệu song ngữ, thì cách chia theo hai nhóm ngôn ngữ có một số hạn chế nhất định. Song vấn đề này lại không nằm trong phạm vi đề cập của giáo trình này.

Về đầu trang
Nhận diện tên tác giả nước ngoài

Có rất nhiều bài báo khoa học đăng tên tác giả với nhiều phần tên khác nhau: họ, tên, tên kép,... Và không ít người lúng túng khi không biết phần nào là tên nhận diện, phần nào là tên có thể viết tắt. Nếu không chịu khó kiểm tra kĩ lưỡng, rất dễ mắc sai lầm là cứ xếp theo phần tên xuất hiện đầu tiên (có khi đúng, và nhiều khi sai).

Có một số cách để kiểm tra lại tên nhận diện của tác giả một tài liệu như sau:

  • phán đoán: hai cách phán đoán thường gặp nhất là:
    • dựa vào hiểu biết cá nhân về tên gọi các nước phương Tây để phân biệt,
    • lấy phần tên sau cùng làm tên nhận diện, các phần còn lại viết tắt toàn bộ,
tuy nhiên cách phán đoán này không phải bao giờ cũng chính xác, mà luôn cần được kiểm tra lại, nhất là với những nước có tên nhận diện là tên ghép (Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý,...);
  • địa chỉ thư điện tử: nếu bài báo có đăng địa chỉ thư điện tử liên lạc của tác giả, rất có khả năng trong địa chỉ có tên nhận diện của tác giả (được viết đầy đủ) và phần còn lại được viết tắt,
    • cách này cũng không được hoàn toàn chính xác, và luôn cần kiểm tra lại;
  • danh mục tham khảo của chính tài liệu đó: một số tác giả khi viết tài liệu có tham khảo lại các bài của mình đã đăng trước đó, nên khi tra và đối chiếu lại với các phần tên ở đầu bài có thể tìm được đúng tên nhận diện của tác giả;
  • danh bạ nhân viên của cơ quan: các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm lớn thường có website giới thiệu lí lịch tóm tắt và/hoặc các công trình nghiên cứu của nhân viên, hoặc có các danh bạ nhân viên, qua đó có thể xác định được tên nhận diện của một tác giả (cần phải tìm đến đúng cơ quan của tác giả);
  • tìm các thông tin trích dẫn: đây là cách an toàn nhất,
    • dùng các từ khoá chính trong tựa tài liệu, năm xuất bản, các từ chính trong nhan đề để tìm chính xác các tài liệu có trích dẫn về tác giả đang cần tìm tên nhận diện,
    • đối chiếu các mẩu trích dẫn, nếu các thông tin khác (nhan đề, tựa bài, số trang, đồng tác giả, phần tên tắt,...) là trùng khớp với các dẫn tố trong tài liệu đang dùng, thì có thể xác định được tên nhận diện của tác giả.
Nói chung, có nhiều kĩ thuật, phương pháp để tìm các thông tin này. Quan trọng nhất là biết sử dụng một công cụ tìm kiếm (trong trường hợp này là thông tin chính xác, tức dùng bộ máy tìm kiếm) để truy ra được các thông tin cần thiết.
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007