Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

MeresciPhương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học > Lựa chọn nguồn tài nguyên và công cụ tìm kiếm > Các danh bạ mạng
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học



Lựa chọn nguồn tài nguyên và công cụ tìm kiếm

Các danh bạ mạng

Một trong những loại công cụ tìm kiếm thông tin đầu tiên trên Internet là danh bạ mạng (Web directory/annuaire en ligne). Danh bạ nổi tiếng đầu tiên có lẽ là Yahoo!, ra đời năm 1994, do David Filo và Jerry Yang sáng lập. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nhiều công cụ tìm kiếm khác, dường như các danh bạ mạng ngày càng ít được nhớ đến. Nhưng cũng không vì thế mà danh bạ mạng đánh mất đi giá trị của mình. Và nếu biết cách khai thác, người sử dụng Internet sẽ nhanh chóng tìm được những nguồn thông tin vô cùng hữu ích và có giá trị từ Internet.

Mục đích của danh bạ mạng

Các danh bạ mạng phân loại và sắp xếp các website theo các chủ đề lớn-nhỏ, chính-phụ,... giúp người dùng mạng dễ tìm kiếm hơn: ngay từ trang tiếp đón, người duyệt mạng tìm thấy một danh sách các mục và phụ mục sắp xếp theo chuyên đề, và chỉ cần nhấp chuột lên một chuyên đề rồi đi tiếp theo các chuyên đề phụ, để cuối cùng tìm thấy một danh sách các điểm mạng phù hợp với nhu cầu tìm kiếm.

Nguyên tắc hoạt động

Một websitecó thể được giới thiệu miễn phí trong một danh bạ mạng, nhưng cũng có thể phải trả phí, tuỳ theo tiêu chí hoạt động của mỗi danh bạ mạng (vô vụ lợi hay mục đích thương mại, quảng cáo). Điều cốt lõi nhất là: các danh bạ mạng được xây dựng dựa trên công việc biên tập của một hệ thống biên tập viên, tức có sự chọn lọc và đánh giá của con người

    • Tuyển chọn: căn cứ tiêu chí hoạt động của danh bạ mạng, biên tập viên sẽ kiểm tra xem website cần giới thiệu có hoạt động hay không, có đáp ứng các yêu cầu về ngôn ngữ, về sự tôn trọng pháp luật và về tính mới mẻ, độc đáo trong nội dung hay không.
    • Lập chỉ mục: khi website đã được tuyển chọn, ban biên tập sẽ đưa vào chỉ mục ở vị trí phù hợp, và thường xuyên sắp xếp, tái cấu trúc các chuyên mục sao cho hợp lí.
    • Mô tả: các biên tập viên sẽ soạn một nội dung tóm tắt cho mỗi website, thường có các phần: tên website, mô tả nội dung (có thể là một bài viết tóm tắt thực sự hoặc chỉ là trích lại vài dòng thông tin của website), và tên chuyên mục mà website được xếp vào. Một số danh bạ có thể giới thiệu thêm một hay vài thông tin khác như: địa chỉ mạng, từ khoá, tác giả website, khả năng tìm kiếm thông tin,...
Về đầu trang
Phương thức tìm kiếm

Có hai cách tìm kiếm thông tin trong các danh bạ mạng:

  • Tìm theo mục và phụ mục: đây là cách tìm kiếm đơn giản nhất dành cho người dùng mạng. 
    • Chỉ cần nhấp chuột lên một mục mong muốn, sau đó đến một phụ mục, rồi một phụ mục con nữa, cho đến khi nào tìm thấy được website phù hợp với nhu cầu tìm kiếm. 
    • Các chủ đề được sắp xếp từ rộng nhất, rồi thu hẹp dần đến những chủ đề xác định nhất, qua nhiều cấp bậc liên tục. Số cấp bậc đề mục thay đổi tuỳ dung lượng và phạm vi nội dung mà danh bạ mạng giới thiệu.
  • Tìm theo từ: cách này đòi hỏi người dùng mạng phải có những hiểu biết nhất định về chủ đề cần tìm.
    • Chỉ cần gõ từ cần tìm vào ô tìm kiếm, và danh bạ sẽ thực hiện việc tìm kiếm trong toàn bộ nội dung của nó, bao gồm cả các chuyên mục và nội dung mô tả (tên website, tóm tắt,...).
    • Cách này có thể giúp liệt kê ra những chuyên mục và website có chứa từ cần tìm trong tiêu đề và nội dung của chúng, nhưng không đưa ra được danh sách đầy đủ các website phù hợp với chủ đề mà danh bạ đã sưu tập được.
Về đầu trang
Ưu điểm và nhược điểm của các danh bạ mạng

Có thể rút ra những đặc điểm chính của các danh bạ mạng như sau:

  • là công cụ "con người": kết quả tìm kiếm, đánh giá và chọn lọc của con người (thường là các chuyên gia trong từng lĩnh vực);
  • sắp xếp "thủ công": cấu trúc các chuyên mục do con người xây dựng theo một quan điểm nhất định;
  • chỉ giới thiệu tiêu đề: nội dung được giới thiệu là tên tài liệu/website, và mô tả tóm tắt, nhưng không lưu toàn văn tài liệu hay toàn bộ nội dung website;
  • danh mục không hoàn chỉnh, không cập nhật: danh sách được giới thiệu trong mỗi chuyên mục không phải là đầy đủ và hoàn chỉnh mà có tính chọn lọc tuỳ theo tiêu chí của danh bạ và khả năng nắm bắt thông tin của người biên tập, đồng thời thời gian cập nhật rất chậm;
  • tìm kiếm trên từ khoá chuyên đề: các từ khoá được sử dụng trong tên của các chuyên mục, tuy phụ thuộc vào quan điểm trình bày và sắp xếp của mỗi danh bạ, nhưng vẫn có độ tương đồng cao trong nhiều lĩnh vực.

Từ đó, có thể tạm đánh giá một số ưu điểm và nhược điểm của các danh bạ mạng:

Ưu điểm Nhược điểm
Dễ tìm thấy các chủ đề tổng quát
Khi biết trước cấu trúc các chuyên đề chính-phụ trong lĩnh vực cần tìm tài liệu, sử dụng các danh bạ mạng sẽ nhanh chóng tìm được những chủ đề có tính chất tổng quát.
Nguồn tài nguyên có chất lượng chọn lọc cao
Thông thường các nguồn tài nguyên giới thiệu trong danh bạ mạng có chất lượng khá cao, kết quả của quá trình chọn lọc, đánh giá nghiêm túc của các biên tập viên chuyên nghiệp.

Nguồn tài nguyên được giới thiệu có giới hạn
Các danh bạ mạng chỉ sưu tập được một phần rất nhỏ các tài nguyên hiện hữu trên Mạng.
Khó tìm thấy các chủ đề chuyên biệt
Những chủ đề quá chuyên biệt, có tính đặc thù cao trong một số lĩnh vực rất có thể không hoặc chưa có mặt trong các chuyên mục của các danh bạ mạng.
Chậm cập nhật
Vì là công việc "thủ công", việc cập nhật các danh bạ mạng diễn ra tương đối hoặc rất chậm.
Tìm kiếm theo từ khoá kém hiệu quả
Tìm kiếm theo từ khoá trong các danh bạ mạng thường ít khi mang lại ngay kết quả phù hợp như mong muốn.
Về đầu trang
Giới thiệu một số danh bạ mạng
  • WWW Virtual Library: đây là danh bạ mạng đầu tiên, do Tim Berners-Lee, người phát minh ra World Wide Web, sáng lập tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN), Geneva, Thuỵ Sĩ. 
    • Mục tiêu hoàn toàn vô vụ lợi, được điều hành bởi một hội đồng được bầu chọn công khai.
    • Biên tập viên là chuyên gia trong mỗi lĩnh vực.
    • Cấu trúc chặt chẽ và gọn gàng, không quá 3 cấp chuyên mục.
    • Tính chọn lọc rất cao, thường là các website giới thiệu các nguồn tài nguyên trên Internet trong từng lĩnh vực.
    • Giao diện bằng 4 thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Hoa.
  • Bubl Link: danh bạ mạng do Thư viện Andersonian (Đại học Strathclyde, Scotland) xây dựng.
    • Giới thiệu hơn 12.000 website và cơ sở dữ liệu trên Mạng, được một ban biên tập của thư viện chọn lọc, lưu chỉ mục, mô tả tóm tắt kĩ lưỡng.
    • Sắp xếp, trình bày rõ ràng theo hệ thống phân loại thập phân Dewey, với các website thuộc tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực mà thư viện phụ trách.
    • Các chức năng tìm kiếm đa dạng, dễ sử dụng.
  • Open Directory: là danh bạ mạng phổ thông lớn nhất còn giữ được hoạt động cho tới hiện nay.
    • Tiêu chí hoàn toàn tự nguyện, vô vụ lợi.
    • Đã sưu tập được gần 5 triệu website, xếp trong hơn 590.000 chuyên mục thuộc đủ các lĩnh vực, từ giải trí đến khoa học, với trên 75.000 biên tập viên (là chuyên gia trong lĩnh vực họ phụ trách).
    • Được Google hỗ trợ để cải thiện khả năng tìm kiếm, bổ sung chức năng xếp hạng website,... trong Google Directory.
  • Librarians' Internet Index: danh bạ mạng phổ thông, phát triển từ những năm 1990, hiện nay do Học viện Bảo tàng và Dịch vụ Thư viện (California, Hoa Kì) tài trợ, có bản tin hàng tuần gửi qua thư điện tử, thông báo danh sách các website mới được chọn lọc và giới thiệu với những tiêu chí rõ ràng.
  • Internet Public Library: do Đại học Michigan xây dựng và phát triển, giới thiệu các nguồn tài nguyên dạy và học thuộc đủ các lĩnh vực. Có các chuyên mục đặc biệt hay như các lịch niên giám (almanac), bách khoa thư, tiểu sử, nguồn tham khảo, v.v.
  • Science.gov: danh bạ các nguồn tài nguyên và kết quả nghiên cứu khoa học, do nhiều cơ quan khoa học Hoa Kì hợp tác xây dựng.
Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007