Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

MeresciPhương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học > Lựa chọn nguồn tài nguyên và công cụ tìm kiếm > Đặc điểm các nguồn tài nguyên
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học



Lựa chọn nguồn tài nguyên và công cụ tìm kiếm

Đặc điểm các nguồn tài nguyên

Có nhiều cách phân loại các nguồn tài nguyên thông tin khoa học và kĩ thuật. 

  • Theo phương tiện phát hành: tài liệu in trên giấy (sách, báo); tài liệu trên băng đĩa từ (băng cassette, video); tài liệu trên đĩa quang (CD-ROM, DVD); tài liệu chỉ phát hành trên Internet; v.v.
  • Theo phương thức phân phối: ấn bản thương mại (sách, báo, tài liệu bán trên thị trường); ấn bản phi thương mại (khoá luận, luận văn, luận án, báo cáo kĩ thuật,... gọi chung là "văn liệu xám").
  • Theo độ sâu chuyên môn: tài liệu khoa học phổ thông; tài liệu khoa học kĩ thuật chuyên ngành.
  • Theo phương thức soạn thảo
    • Tài liệu nguyên cấp (primary document/document primaire): cung cấp thông tin gốc, trực tiếp, nghĩa là người đọc tiếp nhận thông tin đúng ở trạng thái mà tác giả đã viết. Các tài liệu dạng này là: sách, bài báo chuyên ngành, luận án, báo cáo, từ điển, bách khoa thư, băng đĩa khoa học, v.v.
    • Tài liệu thứ cấp (secondary document/document secondaire): cung cấp các thông tin nhận diện, định vị hoặc phân tích tài liệu nguyên cấp. Các thông tin dạng này thường gặp ở các thư mục thư viện, các cơ sở dữ liệu tóm tắt, các chỉ mục khoa học, v.v.
    • Tài liệu tam cấp (tertiary document/document tertiaire): mô tả và đánh giá tổng hợp thông tin từ các nguồn thứ cấp và nguyên cấp. Tài liệu dạng này giống tài liệu thứ cấp ở chỗ cung cấp thông tin nhận diện, định vị tài liệu nguyên cấp, nhưng khác ở chỗ có tổng hợp, phân tích và sắp xếp lại thông tin gốc. Tài liệu tam cấp thường gặp là: bài viết niên giám chuyên ngành (annual review/revue de la littérature annuelle); bài tổng hợp tài liệu (literature review/revue de la littérature); v.v.
Về đầu trang
Phân loại tài liệu

Hiểu rõ đặc điểm các nguồn tài nguyên này có thể giúp lựa chọn tốt công cụ tìm kiếm phù hợp với loại tài liệu cần tham khảo.

  • Các thư mục thư viện: giúp tìm kiếm được các tài liệu nguyên cấp được lưu trữ trong thư viện như sách, tạp chí (theo tựa báo), tài liệu nghe nhìn, các văn bản nhà nước, các luận văn, luận án, v.v.  Nhiều thư viện lớn hiện nay đã tin học hoá thư mục để có thể tra cứu trực tuyến, với nhiều chức năng tìm kiếm theo tên tác giả, tựa tài liệu, từ khoá, chủ đề, v.v.

  • Các cơ sở dữ liệu tóm tắt: sắp xếp thông tin theo một cấu trúc, trật tự rõ ràng, giúp tìm kiếm dễ dàng các tài liệu nguyên cấp (phổ biến nhất là các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành) theo nhiều tiêu chí khác nhau: tác giả, tựa tài liệu, chủ đề, từ khoá, năm xuất bản, v.v. Trước đây thường được phát hành dưới dạng bản in hoặc đĩa CD-ROM, nhưng hiện nay đa số các cơ sở dữ liệu này đều có phiên bản trực tuyến. Thường chỉ tìm thấy bài tóm tắt, nhưng có thể có một số bài toàn văn.

  • Các danh bạ mạng và bộ máy tìm kiếm trên Internet: cho phép tìm kiếm gần như đủ loại tài liệu được đăng trên hệ thống Mạng toàn cầu (World Wide Web), kể cả các nguồn tài liệu nguyên cấp hay thứ cấp. Tuy nhiên, tính phù hợp và độ tin cậy của thông tin tìm được bằng các công cụ này không phải lúc nào cũng tốt, thường đòi hỏi người tìm kiếm phải biết đánh giá nghiêm túc các kết quả tìm thấy và chọn lọc những tài liệu có giá trị.

Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007