KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Hợp tác nghiên cứu khoa học và vùng xám liêm chính

Trong loại bài về thủ thuật khai man nhiệm sở để thăng hạng đại học vào tháng 10/2020, chúng tôi đã dẫn ý kiến của Hội đồng cấp cao về đánh giá khoa học và giáo dục ĐH (HCÉRES) của Pháp, đánh giá rằng các trường ĐH Việt Nam cần chú trọng phát triển các nhóm nghiên cứu tự chủ tại chỗ, cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu liên trường giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, thay vì thả nổi cho các nhà nghiên cứu tự tìm nguồn cộng tác cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế không phải trường nào cũng có đủ điều kiện hay quyết tâm thực hiện khuyến cáo này. Những ý kiến trái chiều gần đây xoay quanh trường hợp PGS-TS Đinh Công Hướng là một ví dụ điển hình và cho thấy vấn đề này rất xứng đáng được bàn luận và suy ngẫm sâu sắc hơn, dựa trên các dữ liệu thực tế.


Đây là bản thảo gốc của bài viết đã được báo Thanh Niên biên tập rút gọn đăng thành 2 kì:

- Ngày 13/11/2023: 'Bán' bài báo khoa học có thực là chỉ bán chất xám của mình? (trang 17) <https://thanhnien.vn/ban-bai-bao-khoa-hoc-co-thuc-la-chi-ban-chat-xam-cua-minh-185231112233110079.htm>
- Ngày 14/11/2023: 'Bán' bài khoa học: Ai được, ai mất ? (trang 17) <https://thanhnien.vn/ban-bai-khoa-hoc-ai-duoc-ai-mat-185231113230843295.htm>
>> Tải toàn văn PDF >>

Mục lục


Hành trình dài khởi đi từ bước chân nhỏ

Trong hồ sơ khoa học Google Scholar mang tên ‘Dinh Cong Huong’ đã xác thực qua một hộp thư điện tử dưới tên miền Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM (iuh.edu.vn), có thể thấy các công bố quốc tế đầu tiên được viết trong khoảng 2004-2006, với 4 bài cùng đứng tên với hai tác giả khác là ‘Nguyen Van Mau’ và ‘Vu Dang Giang’. Đây chính là GS Nguyễn Văn Mậu và cố TS Đặng Vũ Giang, những người hướng dẫn luận án tiến sĩ của thầy Hướng. Sau khi bảo vệ luận án, thầy Hướng tiếp tục cộng tác với GS Mậu đăng 3 bài quốc tế trong 4 năm (2009-2013). Bên cạnh đó là 11 bài đăng tạp chí khoa học trong nước, một mình hay cùng đứng tên với người khác, trong 7 năm từ 2006 đến trước 2013.

Tức là, trong 9 năm đầu tiên của sự nghiệp nghiên cứu, thầy Hướng công bố tổng cộng 7 bài quốc tế và 11 bài trong nước. Trong 11 năm tiếp theo (2013-2023), số công bố quốc tế tăng vọt lên 62 bài (tăng hơn 8 lần), và ngược lại số công bố trong nước chỉ còn 2 bài (giảm hơn 5 lần), đăng trên “sân nhà” là Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quy Nhơn. Cần lưu ý rằng, hồ sơ khoa học Google Scholar có thể không chính xác và đầy đủ hoàn toàn, nhưng những tài liệu liệt kê trong danh sách ấy là điểm xuất phát để kiểm chứng các nguồn thông tin gốc là các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Rất dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về số lượng công bố quốc tế của thầy Hướng diễn ra từ khi có sự hợp tác với GS Hieu Trinh (Trịnh Minh Hiếu) của ĐH Deakin, Australia, đồng tác giả của 21 bài có tên thầy Hướng (tỉ lệ khoảng 1/3). Hai bài báo đầu tiên hai người đứng tên chung vào năm 2013 là kết quả của một dự án hợp tác nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Australia tài trợ. Sự hợp tác với ĐH Deakin này được Trường ĐH Quy Nhơn chính thức ghi nhận trong các hoạt động hợp tác quốc tế của trường cũng như thông tin rộng rãi trước giảng viên và sinh viên.

Có thể nói năng lực nghiên cứu của thầy Hướng nói riêng và Khoa Toán – Thống kê Trường ĐH Quy Nhơn nói chung được nâng cao rõ rệt nhờ mối quan hệ hợp tác này. Điều đó đã giúp cho Trường ĐH Quy Nhơn được thụ hưởng các nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu của Nhà nước, thông qua ít nhất 2 đề tài cấp Bộ GD&ĐT và 2 đề tài NAFOSTED trong giai đoạn 2016-2022, cũng như các đợt làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM). Ít nhất 10 bài báo của thầy Hướng cùng đứng tên với GS Hiếu đã ghi công các quỹ tài trợ và chương trình hợp tác nói trên.

Vùng xám liêm chính trong hợp tác nghiên cứu

Điều đáng nói là, các tác giả phía ĐH Deakin cùng đứng tên các bài báo của thầy Hướng, như GS Hiếu (21 bài) và TS Van Thanh Huynh (10 bài), đều nhất quán từ trước tới sau chỉ ghi duy nhất nhiệm sở chính thức của mình. Thầy Hướng cũng ghi nhiệm sở là Trường ĐH Quy Nhơn trong hầu hết các bài này. Nhưng, từ năm 2018 bắt đầu xuất hiện các bài báo thầy Hướng viết riêng, một mình hay với các cộng sự khác, đứng tên các nhiệm sở khác tại Việt Nam như Trường ĐH Tôn Đức Thắng (16 bài) và Trường ĐH Thủ Dầu Một (6 bài).

Về điểm này, có nhiều ý kiến bảo vệ thầy Hướng vì cho rằng thầy đã hoàn thành nghĩa vụ với nhiệm sở chính, nhiệm sở chính không cấm, và rằng thầy hoàn toàn không sử dụng nguồn lực của trường để thực hiện các nghiên cứu liên quan đến các bài báo đứng tên trường khác. Tuy nhiên, hầu hết những người nêu ý kiến dạng này đều chỉ dựa vào duy nhất lời tự bạch một chiều của thầy Hướng.

Thực tế dữ liệu nói lên điều ngược lại. Cụ thể, trong 16 bài thầy Hướng đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ 2018 đến 2022, có 8 bài (50 %) ghi công các nguồn hỗ trợ mà Bộ GD&ĐT, NAFOSTED và VIASM đã cấp cho Trường ĐH Quy Nhơn. Còn đối với 6 bài thầy Hướng đứng tên Trường ĐH Thủ Dầu Một, có 2 bài (33 %) viết cùng với GS Hiếu, tức là trên cơ sở hợp tác giữa ĐH Deakin với Trường ĐH Quy Nhơn, chứ ĐH Deakin hoàn toàn không có quan hệ gì với Trường ĐH Thủ Dầu Một trong đề tài nghiên cứu của thầy Hướng.

Ngoài ra, thầy Hướng còn có 15 bài đồng tác giả với TS Mai Viết Thuận, thuộc biên chế Đại học Thái Nguyên. Trong số đó, có 6 bài (40 %) thầy Hướng đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và thầy Thuận đứng tên ĐH Thái Nguyên, cùng 2 bài (13 %) thầy Thuận đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và thầy Hướng đứng tên nhiệm sở chính của mình ở Trường ĐH Quy Nhơn. Tổng cộng 8 bài (53 %) dạng luân phiên mạo danh nhiệm sở này ghi công các nguồn hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, NAFOSTED và VIASM đã cấp cho Trường ĐH Quy Nhơn và ĐH Thái Nguyên.

Một đồng tác giả đáng chú ý nữa là TS Đào Thị Hải Yến thuộc Trường ĐH Phú Yên, cùng đứng tên 6 bài báo với thầy Hướng. Cô Yến chính là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn từ 2018 đến 2022, dưới sự hướng dẫn của thầy Hướng. Trong cả 6 bài cùng đăng với thầy hướng dẫn, cô đều nhất quán ghi nhiệm sở chính là Trường ĐH Phú Yên. Nhưng ngược lại, thầy hướng dẫn của cô có đến 4 bài (67 %) ghi nhiệm sở là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, vốn dĩ không liên can gì trong việc cô Yến làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn.

Tựu trung, có thể thấy trong thời kì đầu làm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của các thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ tại ĐHQG Hà Nội cũng như đối tác ĐH Deakin, thầy Hướng đã từng được thụ hưởng các đề tài hợp tác nghiên cứu chính thức, công bố hoàn toàn liêm chính, để phát triển năng lực chuyên môn đến mức được thừa nhận rộng rãi như ngày hôm nay. Tiếc là khi năng lực nghiên cứu đã định hình theo thời gian, thầy Hướng lại không đủ tỉnh táo dẫn đến lạm dụng các nguồn lực nghiên cứu từ trường mình (đề tài cấp Bộ GD&ĐT, đề tài NAFOSTED, hợp tác nghiên cứu ngắn hạn tại VIASM, hướng dẫn nghiên cứu sinh) để công bố các bài báo dưới tên trường khác, với tỉ lệ vi phạm không hề nhỏ như đã liệt kệ trong bảng tổng hợp bên dưới.

Bảng tổng hợp tính trạng vi phạm liêm chính khoa học trong các công bố quốc tế liên quan đến PGS-TS Đinh Công Hướng

Có người sẽ kì vọng là, biết đâu trong những bài báo còn lại không ghi công các nguồn hỗ trợ nói trên, các tác giả thực sự không sử dụng thời gian, phương tiện, kinh phí của trường mình mà hoàn toàn dùng nguồn lực cá nhân để làm nghiên cứu rồi “bán chất xám” của mình một cách chính đáng cho các trường khác có nhu cầu. Tuy nhiên, các dữ liệu thực tế nêu trên cho phép khẳng định rằng một phần đáng kể nguồn lực Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu tại các trường đại học đã bị thất thoát thông qua các nhà khoa học “bán bài” báo cho nơi khác, làm đơn vị thụ hưởng mất đi các lợi ích chính đáng, và tiếp tay cho những nơi “mua bài” thu lợi ích bất chính.

Lí do là, khi đăng kí các đề tài với các quỹ tài trợ, ngoài năng lực cá nhân của nhà nghiên cứu thì uy tín của nơi công tác cũng là một yếu tố quan trọng. Các thoả thuận tài trợ bao giờ cũng được kí kết giữa tổ chức tài trợ với cơ quan chủ quản chứ không phải với cá nhân nhà nghiên cứu. Kinh phí tài trợ cũng được chuyển về tài khoản của cơ quan chủ quản. Trong suốt quá trình thực hiện đề tài, nhà nghiên cứu phải thực hiện đầy đủ các quy định về báo cáo khoa học và báo cáo tài chính với cơ quan chủ quản cũng như với nhà tài trợ. Cho dù nhà tài trợ có đưa ra hạn mức tối thiểu về sản phẩm là bao nhiêu bài báo, nhà nghiên cứu không được phép tự ý lấy những gì thụ hưởng từ đề tài, làm thêm các sản phẩm trên mức tối thiểu để đem ra “bán” cho nơi khác nhằm tăng thu nhập cho cá nhân mình.

Ai được ai mất?

Người được lợi đầu tiên trong bức tranh tối tranh sáng này chính là tác giả của các bài báo. Bởi lẽ, mỗi bài báo mạo danh một nhiệm sở khác được trả bằng một số tiền không nhỏ, đem lại lợi ích kinh tế vật chất rất cụ thể. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đều có chính sách khen thưởng cho các bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế. Không có dữ liệu công khai nên chúng ta không thể biết được, trong số những người “bán bài”, bao nhiêu người trung thực bỏ các bài đứng tên nhiệm sở khác ra khỏi danh sách nhận thưởng tại đơn vị của mình, còn bao nhiêu người sẵn sàng “ăn cả ba đầu”, tức tiền quỹ hỗ trợ nghiên cứu, cùng với tiền “bán bài” báo và tiền khen thưởng từ cơ quan chủ quản.

Nhưng xét ở phương diện cá nhân, một công trình đứng tên nhiệm sở này hay nhiệm sở khác vẫn được gán vào cùng hồ sơ thành quả nghiên cứu cá nhân, góp phần tạo ra uy tín cá nhân của nhà nghiên cứu, miễn là các bài báo thể hiện một hành trình xuyên suốt về chuyên môn khoa học. Tuy nhiên, uy tín cá nhân nhà nghiên cứu không thể tách rời với uy tín của nơi họ công tác; đó là lí do mà nhiều hệ thống dữ liệu học thuật đòi hỏi tác giả phải sử dụng hộp thư điện tử theo tên miền chính thức của cơ quan công tác. Ngược lại, khi có phát hiện vi phạm liêm chính, những bài liên quan hoàn toàn có thể bị rút lại, và uy tín học thuật của tác giả cũng như của cơ quan công tác có thể bị ảnh hưởng.

Ngược lại, nơi được lợi nhiều nhất là đơn vị “mua bài”. Bởi như đã nêu trong các số liệu ở trên, các đơn vị này không cần làm gì cả. Quá trình thực hiện đề tài đã có nơi khác lo. Nguồn lực đầu tư nghiên cứu đã có nơi khác trả. Việc quản lí cũng không tốn kém gì, từ xây dựng, phê duyệt, đánh giá, thẩm định đề tài, đến nhân sự nghiên cứu, hay trang thiết bị cơ sở vật chất nghiên cứu, v.v. Chỉ có duy nhất ở thời điểm gửi bản thảo, hay khi bài báo được duyệt đăng, thậm chí chỉ trước khi đăng chính thức, dùng lợi ích vật chất cám dỗ tác giả ghi nhiệm sở là đơn vị của mình thay cho đơn vị gốc của họ là đủ.

Không chỉ ngồi mát ăn bát vàng, đơn vị “mua bài” còn thu lợi về danh tiếng, vì trong một quãng thời gian rất ngắn thành tích trên các bảng xếp hạng đo lường thư mục có thể tăng vọt một cách thần kì. Tăng thứ bậc xếp hạng đồng nghĩa với quảng bá miễn phí trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự chú ý của mọi thành phần xã hội, trong đó đáng kể nhất là nguồn “khách hàng” tiềm năng trong tuyển sinh đại học. Đó vừa là là lí do, vừa là động lực, vừa là nguồn “thu hồi vốn” cho khoản đầu tư vào chính sách (sai trái) “mua bài”. Một mũi tên bắn trúng hàng loạt con chim.

Đã có người được thì chắc chắn có ai đó mất, đó là quy luật. Nơi mất đầu tiên chính là đơn vị chủ quản của nhà khoa học. Họ cung cấp cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, tạo điều kiện thời gian và cơ chế cho các nhà khoa học làm công việc của mình một cách tốt nhất trong điều kiện có thể. Nhưng, chỉ vì lí do lương bổng thấp mà tất cả những thành quả nghiên cứu lẽ ra họ được thụ hưởng một cách danh chính ngôn thuận lại bị gán qua tên nơi khác. Không chỉ thế, khi nơi “mua bài” cũng là một trường đại học, thả lỏng cán bộ giảng viên của mình trong việc ghi tên nhiệm sở trên các bài báo khoa học chẳng khác nào nuôi ong tay áo, tự mình chấp nhận bị cạnh tranh bất chính trong tuyển sinh đại học. Đó là chưa kể đến những mất mát về hình ảnh khi xảy ra lùm xùm, tranh luận về liêm chính học thuật.

Nơi mất thứ hai, đó là các tạp chí khoa học trong nước. Như có thể thấy qua hồ sơ khoa học của thầy Hướng, số bài đăng tạp chí trong nước tụt giảm đến 5 lần, chỉ còn 2 bài trong 11 năm. Đó là một ví dụ cho thấy, trong “cơn say” công bố quốc tế, các nhà khoa học tên tuổi không còn mặn mà đăng bài cho các tạp chí trong nước. Việc các cơ quan quản lí đặt ra các quy định công bố quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu có mục đích tốt đẹp là ngăn ngừa tình trạng bài vở kém chất lượng ở một số lĩnh vực trong nước. Nhưng cách làm máy móc đã vô hình trung biến cộng đồng xuất bản khoa học trong nước trở thành “chiếu hạng hai”, ngay cả những tạp chí có uy tín và chất lượng cũng thiếu vắng bài viết của những nhà khoa học hàng đầu.

Nhưng nơi mất lớn nhất, có lẽ, đó là nền khoa học và giáo dục nước nhà. Thực ra, xét về mặt định lượng thuần tuý trên các cơ sở dữ liệu đo lường thư mục, việc một nhà khoa học của một đơn vị trong nước ghi tên mình theo một nhiệm sở khác trong nước sẽ không làm thay đổi gì về số liệu đánh giá tổng thể thành tích công bố khoa học của quốc gia. Tất cả đều tính cho Việt Nam.

Thế nhưng, nhìn gần hơn một chút chúng ta sẽ thấy lộ ra vấn đề. Đó là, Nhà nước đầu tư không ít tiền và cơ chế cho các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, từ cấp trường đến cấp bộ ngành và cấp Nhà nước, hay cả các quỹ và đơn vị tiên phong như NAFOSTED, VIASM… Nhưng tiếc là một phần không nhỏ các thành quả nghiên cứu trong các đề tài ấy lại không được ghi nhận cho các trường chủ trì đề tài, mà bị bán qua cho các trường khác.

Nơi có con người thật và làm thật thì không được hưởng, nơi không làm gì cả thì thành tích bỗng nhiên tăng vọt. Nơi có năng lực được nâng cao thực sự không được tưởng thưởng và đầu tư thích đáng hơn, nơi không có nền tảng gì cho nghiên cứu thì lại lấp lánh hào quang nhờ vào thành tích ảo. Trên bình diện quốc gia, tổng nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu không thiếu, nhưng cơ chế cấp kinh phí và đánh giá, khen thưởng dựa trên các tiêu chí định lượng một cách hình thức và máy móc đã làm nở rộ trào lưu mạo danh nhiệm sở dưới danh nghĩa cộng tác cá nhân, thay vì thúc đẩy hợp tác nghiên cứu liên trường giữa những nhóm nghiên cứu thực thụ về những vấn đề cấp thiết trong môi trường sở tại như khuyến cáo của HCÉRES.

Nơi mất cuối cùng dù không liên quan trực tiếp, đó là công chúng. Vì bản chất nguồn kinh phí Nhà nước chi cho các quỹ hỗ trợ nghiên cứu là lấy từ tiền thuế của nhân dân. Ngay cả với các trường đại học có cơ chế tự chủ tài chính, cơ cấu nguồn thu chính vẫn là từ học phí, tức tiền đóng góp của sinh viên và gia đình. Nhưng ở các trường mua thành tích nghiên cứu ảo, một phần đáng kể kinh phí lấy từ nguồn học phí đã bị sử dụng để trả cho giảng viên cơ hữu ở trường khác chỉ để có tên trên các bài báo khoa học. Sinh viên không được học hỏi từ những tác giả bài báo này theo cách tương xứng với số tiền mình đã bỏ ra. Thành tích ảo tạo ra sự ngộ nhận về giá trị giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, gây mất niềm tin của công chúng vào sự liêm chính của cả nền giáo dục đại học cũng như các cơ quan quản lí Nhà nước.

Trách nhiệm của ai?

Thiết tưởng cần phải nói rõ, các bài báo được xem xét ở đây là kết quả thật của các công trình nghiên cứu thật, đăng trên các tạp chí khoa học thật, có độ tin cậy cao trên bình diện quốc tế. Điều đó khác hẳn về bản chất với các trường hợp vừa mạo danh nhiệm sở, vừa làm công trình ảo hay đăng các tạp chí dỏm. Vậy thì, thầy Hướng và tất cả những ai đã từng (hay sẽ còn) mạo danh nhiệm sở sai ở chỗ nào?

Họ sai ở chỗ chưa nhận thức đúng đắn về liêm chính học thuật. Trên các phương tiện truyền thông, thầy Hướng đã chủ động nhận sai, và cam kết không vi phạm ở nơi công tác mới. Tuy nhiên, việc nhận sai không tới cùng, biện bạch rằng chỉ sử dụng nguồn lực cá nhân trong việc giải quyết nhu cầu kinh tế, trong khi thực tế đã lạm dụng từ 1/3 đến 2/3 nguồn lực mà mình hưởng từ trường, đã dẫn đến một cuộc tranh luận không cần thiết. Sự biện bạch đó được nhiều người ủng hộ, là cái phao cho những trường hợp sai phạm khác bấu víu vào, hi vọng tên mình sẽ không bị lộ ra.

Cộng đồng khoa học có những nguyên tắc tồn tại và vận hành của mình, trước tiên là dựa vào đạo đức khoa học, rồi đến các quy tắc ứng xử và liêm chính học thuật, trước khi được cụ thể hoá thành luật. Bốn nguyên tắc liêm chính cơ bản là tin cậy, trung thực, tôn trọng và trách nhiệm. Trong đó nguyên tắc trung thực đòi hỏi mỗi nhà nghiên cứu trong mỗi công trình nghiên cứu phải nêu rõ mọi dấu vết về quá trình thực hiện, thu thập, phân tích và công bố kết quả, cũng như thông báo rõ ràng các nguồn tài trợ hay các mối quan hệ tiềm ẩn xung đột lợi ích.

Hàng loạt bài báo mạo danh nhiệm sở như đã nêu ở trên được giới khoa học xếp vào loại “gian lận hậu kì” (postproduction misconduct) nhằm đạt mục tiêu thành tích ảo trong đo lường thư mục. Dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ và xung đột lợi ích giữa cá nhân với đơn vị chủ quản, cũng như giữa đơn vị “mua bài” với cơ quan chủ quản và các quỹ tài trợ nghiên cứu của Nhà nước là rất rõ ràng. Thế nhưng, các tác giả luôn kí cam kết trong hầu hết các bài báo ấy là không có bất cứ xung đột lợi ích tiềm tàng nào.

Ảnh chụp bài báo vi phạm cam kết không xung đột lợi ích của PGS-TS Đinh Công Hướng

Ảnh chụp bài báo mà PGS-TS Đinh Công Hướng đã sử dụng nguồn lực hướng dẫn nghiên cứu sinh và đề tài NAFOSTED cấp dưới danh nghĩa của Trường ĐH Quy Nhơn nhưng công bố dưới tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đồng thời cam kết với nhà xuất bản là không có xung đột lợi ích.

Như vậy, gốc rễ của nhận thức chưa đúng đắn về liêm chính học thuật là do nhà khoa học còn mơ hồ về sở hữu trí tuệ và xung đột lợi ích. Sự mơ hồ này có gốc gác từ thời mở cửa, các trường đại học công lập “nhắm mắt” cho các thầy cô đi dạy thỉnh giảng ở các trường khác để cải thiện thu nhập. Nhưng khi ấy, dù chê lương thấp nhưng phần lớn giảng viên công lập vẫn không rời trường của mình, bởi dù sao trường công vẫn có lịch sử lâu đời và danh tiếng cao hơn.

Về bản chất, giảng viên trường này đi dạy thỉnh giảng ở trường khác là bình thường, thậm chí đáng khuyến khích trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam thiếu người trầm trọng. Vì khi đến lớp, giảng viên không ai che giấu thân phận của mình, mà công khai rõ ràng mình là giảng viên cơ hữu ở trường khác. Trường mời thỉnh giảng thường phải chọn người có trình độ chuyên môn và sư phạm ở những nơi có uy tín, có hợp đồng thỉnh giảng rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật. Sinh viên tại trường này biết rõ mình được học giảng viên từ trường khác một cách công khai, minh bạch.

Điều đó khác hẳn với thủ thuật mua “bán bài” báo khoa học. Vì khi mạo danh nhiệm sở, tác giả bài báo che giấu hoàn toàn danh tính cơ quan chủ quản, cố tình làm cho nhà xuất bản cũng như người đọc nghĩ rằng nhiệm sở mạo danh kia là cơ quan công tác chính. Có người còn tinh vi hơn, ứng với mỗi nhiệm sở mạo danh chọn một cách ghi tên khác nhau, tạo các hồ sơ học thuật khác nhau trên mạng để tránh bị phát hiện tất cả cùng là của một con người duy nhất.

Cùng với sự phát triển kinh tế, áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động nói chung, “thị trường giáo dục” nói riêng, ngày càng tăng. Trong khi đó, khuôn khổ luật pháp về quản lí khoa học, về sở hữu trí tuệ, về quản lí viên chức hay về hợp đồng lao động, v.v. không theo kịp thực tế. Kết quả là mỗi cá nhân loay hoay tự tìm những biện pháp riêng để giải quyết nhu cầu kinh tế của riêng mình mà không quan tâm thấu đáo tới những vấn đề nhạy cảm về sở hữu trí tuệ và xung đột lợi ích. Để khắc phục tình trạng tranh tối tranh sáng này, chúng ta cần bắt đầu lại từ các nguyên tắc nền tảng, thấu hiểu thực sự, đồng thuận và kiên trì thực thi mọi lúc mọi nơi.

Các dữ liệu phân tích nêu trên mặc dù nêu tên các cá nhân và đơn vị cụ thể, nhưng hoàn toàn không nhằm mục đích công kích các cá nhân hay đơn vị ấy, mà nhằm làm rõ vấn đề thông qua cứ liệu thực tế. Khi tham gia phản biện, mỗi người cần nói có sách mách có chứng, thay vì chỉ phát biểu bằng quan điểm cảm tính chủ quan. Trách nhiệm thu hẹp vùng xám, tăng cường sự minh bạch và trung thực trong nghiên cứu và công bố khoa học thuộc về tất cả chúng ta, từ các cơ quan quản lí Nhà nước tới lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu, từ nhà khoa học tới các cơ quan báo chí truyền thông, từ giới học thuật tới cộng đồng xã hội.

Vi phạm liêm chính hay đạo đức trong nghiên cứu, đặc biệt khi có các chứng cứ trục lợi rõ ràng, về bản chất là vi phạm các quy định pháp luật liên quan. Nhà khoa học với trình độ tri thức của mình, hơn ai hết, cần phải là người tiên phong trong việc giữ gìn liêm chính trong nghiên cứu với các nguyên tắc tin cậy, trung thực, tôn trọng và trách nhiệm, cũng là cốt lõi của tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ở cấp độ cao hơn, các nhà quản lí cần phải quyết liệt hơn trong việc duy trì và đề cao các nguyên tắc ấy trong phạm vi quyền hạn của mình. Cần phải có nhiều thay đổi căn cơ về cơ chế quản lí nhân sự và tài chính để gỡ bỏ các rào cản, khuyến khích và ưu tiên các chương trình hợp tác nghiên cứu liên trường một cách chính thức, thay cho sự tự do tìm kiếm các mối cộng tác cá nhân. Thậm chí còn phải tạo điều kiện lưu chuyển, trao đổi dễ dàng cán bộ, giảng viên và nhà nghiên cứu giữa các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu nhằm tối ưu hoá các nguồn lực vốn vẫn còn nhiều hạn chế.

Và cuối cùng, cộng đồng xã hội cần phải hậu thuẫn cho những nỗ lực ấy, trên cơ sở lí lẽ và lập luận khách quan chứ không phải cảm tính mơ hồ. Khoa học Việt Nam đã, đang và vẫn còn có nhiều tiềm năng phát triển khởi sắc, một khi các giá trị khoa học thực thụ được phục hồi, tôn vinh và trật tự được thiết lập với các quy tắc ửng xử khoa học rõ ràng, nhất quán, đồng thuận./.



Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm