KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Hệ thống tín chỉ châu Âu (ECTS) và khả năng tích hợp vào công tác quản lí học vụ tại Việt Nam

Tài liệu nghiên cứu so sánh hệ thống tín tổ chức chương trình đào tạo và quản lí, chuyển đổi tín chỉ châu Âu (ECTS) với hệ thống tổ chức chương trình đào tạo và quản lí tín chỉ Việt Nam, biên soạn phục vụ dự án “Nghiên cứu và triển khai hệ thống thông tin quản lý đào tạo ScolariX”, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM, 12/2014.


Mục lục

1. Tiến trình Bologna và hệ thống tổ chức đào tạo L[B]-M-D

1.1. Khái lược về tiến trình Bologna

1.2. Khung Tham chiếu Trình độ Châu Âu

1.3. Hệ thống tổ chức đào tạo L-M-D (hay B-M-D)

1.4. Các giai đoạn đào tạo trong mô hình L-M-D của Pháp

1.5. Các phân đoạn đào tạo trong mô hình L-M-D của Pháp

2. Hệ thống Chuyển tiếp và Tích luỹ Tín chỉ Châu Âu (ECTS)

2.1. Thời lượng làm việc

2.2. Cấp và sử dụng tín chỉ ECTS

2.3. Đơn vị kiến thức giảng dạy

2.4. Đánh giá và xác nhận kết quả

3. Hệ thống tín chỉ Việt Nam và hướng tích hợp ECTS vào công tác quản lí học vụ

3.1. Hệ thống tín chỉ Việt Nam

3.2. Hướng tích hợp ECTS vào công tác quản lí học vụ tại Việt Nam

Tài liệu tham khảo

>> Tải bản PDF >>


1. Tiến trình Bologna và hệ thống tổ chức đào tạo L[B]-M-D

1.1. Khái lược về tiến trình Bologna

Tiến trình Bologna (Bologna Process) là một quá trình triển khai liên tục các cuộc hội nghị và thoả thuận giữa bộ trưởng phụ trách giáo dục của các nước châu Âu, nhen nhóm từ cuộc họp bộ trưởng giáo dục bốn nước Pháp, Đức, Anh và Italia ở Sorbonne năm 1998, nhưng chính thức khởi sinh từ “Tuyên bố Bologna ngày 19 tháng 6 năm 1999” (1), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc so sánh tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo đại học giữa các nước thành viên. Đây là yếu tố then chốt cho phép hình thành Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu (European Higher Education Area) vào năm 2010. Sáu mục tiêu trọng tâm của Tiến trình Bologna bao gồm (2,3):

  1. Xây dựng một hệ thống văn bằng tương thích và dễ so sánh lẫn nhau;
  2. Tổ chức cơ cấu đào tạo đại học theo ba giai đoạn: cử nhân (B – Bachelor, tiếng Anh; hay L – Licence, tiếng Pháp), thạc sĩ (M – master), tiến sĩ (D – doctorate / doctorat);
  3. Thiết lập một hệ thống tín chỉ áp dụng chung cho toàn bộ khu vực giáo dục đại học châu Âu;
  4. Tăng cường giao lưu, trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ viên chức;
  5. Hậu thuẫn các hoạt động đảm bảo chất lượng trong khu vực;
  6. Quảng bá các giá trị châu Âu trong giáo dục đại học.

1.2.Khung Tham chiếu Trình độ Châu Âu

Đồng thời với nhiều nỗ lực khác của các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo đại học, tăng cường khả năng trao đổi sinh viên và công nhận kết quả giáo dục lẫn nhau, gắn chặt với mục tiêu đào tạo nghề nghiệp và học tập suốt đời, Khung Tham chiếu Trình độ Châu Âu (EQF – European Qualifications Framework) đã được xây dựng và ban hành vào năm 2008 (4). Bộ khung này bao gồm tám bậc trình độ, được định nghĩa rõ ràng dựa trên ba nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra: kiến thức (knowledge), kĩ năng (skills) và năng lực (competence). Tuy nhiên, EQF không có vai trò thay thế cho các hệ thống chuẩn mực giáo dục quốc gia, mà chỉ dùng để tham chiếu tương đương, giúp dễ dàng quy đổi và chuyển tiếp kết quả đào tạo giữa các nước khác nhau, đặc biệt là thông qua Hệ thống Chuyển tiếp và Tích luỹ Tín chỉ Châu Âu (ECTS – European Credit Transfer and Accumulation System).

1.3. Hệ thống tổ chức đào tạo L-M-D (hay B-M-D)

Trong tổng số 46 quốc gia tham gia Tiến trình Bologna, hệ thống tổ chức đào tạo ở bậc đại học có một số nét tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm dị biệt rất khác nhau. Nhưng thay vì áp dụng một cơ cấu tổ chức chung duy nhất để áp dụng cho mọi quốc gia, điều lí tưởng nhưng gần như phi thực tế, Uỷ ban Châu Âu (European Commission) đã giúp các nước xây dựng Khung Tham chiếu Trình độ Quốc gia (NQF – National Qualifications Framework) để làm cơ sở tham chiếu với EQF, giúp tổ chức lại cơ cấu đào tạo đại học của mỗi nước sao cho tương thích với mục tiêu công nhận kết quả đào tạo và văn bằng lẫn nhau, theo ba giai đoạn đã được xác định từ hội nghị Berlin năm 2003 (2).

Ở Pháp, từ chỗ có rất nhiều loại hình trường và văn bằng đào tạo đại học khác nhau, kể từ năm 2002 cuộc cải cách đã bắt đầu được tiến hành với tham vọng rất lớn và với một phương pháp triển khai rất độc đáo: chỉ đề nghị, không bắt buộc, không luật hoá; và đó là chìa khoá cho sự thành công trong việc tìm kiếm sự đồng thuận và hưởng ứng tự nguyện của các trường, dù điểm khởi đầu có đôi chút khó khăn (5). Kết quả là hiện nay, cơ cấu tổ chức đào tạo đại học theo mô hình L-M-D đã tương đối hoàn chỉnh và khá chặt chẽ, với khả năng liên thông cao độ giữa các cấp học và các loại hình trường (Hình 1): 3 năm đào tạo cử nhân, 2 năm đào tạo thạc sĩ và 3 năm đào tạo tiến sĩ (2).

Hình 1. Sơ đồ cơ cấu tổ chức đào tạo đại học theo mô hình L-M-D ở Pháp (2)

1.4. Các giai đoạn đào tạo trong mô hình L-M-D của Pháp

Trong mô hình L-M-D đang áp dụng tại Pháp (Hình 1), giai đoạn một của bậc đào tạo đại học kéo dài ba năm, gồm 180 tín chỉ châu Âu, với kết quả đầu ra là bằng cử nhân (Licence). Ở các trường đại học (Université), ngoài loại bằng cử nhân thông thường còn có thêm bằng cử nhân chuyên nghiệp (Licence professionnelle) dành cho các chương trình đào tạo theo hướng nghề nghiệp. Các trường cao đẳng nghề (IUT, STS) đào tạo hai năm để cấp các văn bằng hay chứng chỉ nghề (DUT, BTS) sau đó chuyển tiếp sang năm thứ ba lấy bằng cử nhân chuyên nghiệp tại các trường đại học. Các loại hình trường chuyên biệt khác (École d'ingénieur, Grande école, École supérieure spécialisée,...) được tổ chức theo hệ thống riêng, nhưng đa số cũng kết thúc giai đoạn một sau ba năm học với bằng cử nhân rồi chuyển tiếp lên giai đoạn hai trong hệ thống riêng của mình; hầu hết cũng đào tạo tiếp hai năm để cấp bằng thạc sĩ.

Trong khi đó, ở các trường đại học, giai đoạn hai lại có hai văn bằng là thạc sĩ bậc 1 (Master 1) và thạc sĩ bậc 2 (Master 2), mỗi văn bằng học trong một năm, gồm tổng cộng 120 tín chỉ châu Âu. Bằng thạc sĩ bậc 2 cũng có hai loại là thạc sĩ nghiên cứu (Master de recherche) hay và thạc sĩ chuyên nghiệp (Master professionnel), tuỳ theo định hướng đào tạo.

Ở giai đoạn ba, chương trình đào tạo tiến sĩ kéo dài ba năm (hoặc hơn). Giai đoạn này không đòi hỏi ECTS nữa, vì yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và năng lực tương ứng với bậc 8 của EQF (4), tức ở mức độ tư duy chuyên sâu, khám phá cái mới.

Tại Pháp, mặc dù phần khung cơ cấu tổ chức có thể áp dụng chung cho cả nước, các vấn đề chi tiết trong quá trình thực thi lại thuộc về quyền tự chủ của các trường. Thông thường, các trường đại học tổ chức cơ cấu đào tạo này theo từng lĩnh vực (domaine), mà ví dụ khá phổ biến nhất là ba nhóm:

  • Khoa học và Công nghệ;
  • Khoa học Kinh tế và Quản lí;
  • Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tiếp theo, trong mỗi lĩnh vực đào tạo có nhiều ngành đào tạo (mention), được ghi rõ trên văn bằng. Mỗi ngành đào tạo lại được chia ra thành nhiều chuyên ngành đào tạo (spécialité). Ví dụ:

  • Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ có thể có các ngành: Toán học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ Thông tin, Cơ khí, Y khoa, Khoa học Trái đất và Môi trường,...;
  • Ngành Sinh học có thể có các chuyên ngành: Sinh học Tổng quát, Sinh hoá, Sinh học Động vật, Công nghệ Thực phẩm,... (6)

1.5. Các phân đoạn đào tạo trong mô hình L-M-D của Pháp

Trong mỗi giai đoạn đào tạo, chương trình được tổ chức theo từng học kì (semestre). Một hay nhiều học kì ghép lại thành một phân đoạn đào tạo (parcours), ở đó người học cần đáp ứng những yêu cầu nhất định trong tiến trình đào tạo trước khi chuyển sang các phân đoạn hay giai đoạn kế tiếp. Ở mỗi ngành đào tạo, thông thường có một cơ cấu các phân đoạn tiêu chuẩn để định hướng cho người học. Tuy nhiên, nếu cần thiết và điều kiện cho phép, người học vẫn có thể thiết kế những phân đoạn riêng phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình.

Ví dụ, một văn bằng cử nhân (L) có thể được chia thành ba phân đoạn như sau:

  • một phân đoạn đào tạo đại cương gồm ba học kì (L1);
  • một phân đoạn đào tạo chuyển tiếp gồm một học kì (L2);
  • một phân đoạn đào tạo chuyên ngành gồm hai học kì (L3).

Hoặc ở giai đoạn tiếp theo, văn bằng thạc sĩ (M) cũng được chia thành hai phân đoạn gồm:

  • một phân đoạn đào tạo cơ sở gồm hai học kì (M1);
  • một phân đoạn đào tạo theo định hướng chuyên sâu gồm hai học kì (M2).

Điều cần lưu ý là sự liên thông chỉ diễn ra ở cấp độ phân đoạn đào tạo, nghĩa là: một khi đã bắt đầu một phân đoạn nào thì phải kết thúc tất cả các học kì trong phân đoạn đó, rồi mới có quyền quyết định đi tiếp theo định hướng ban đầu hay chuyển sang hướng khác (Hình 2).

Hình 2. Ví dụ về các phân đoạn đào tạo theo mô hình L-M-D tại Pháp

Trong mỗi học kì của mỗi phân đoạn, chương trình được tổ chức thành các học phần (UE – unité d'enseignement). Mỗi học phần lại có thể là một hay được tổ hợp từ nhiều môn học (EC – élément constitutifs). Mỗi môn học có thể được tiến hành dưới một hay nhiều hình thức giảng dạy/học tập khác nhau, như lí thuyết (CM – cours magistraux), bài tập (TD – travaux dirigés), thực hành (TP – travaux pratiques), thực tập (stage), khoá luận (mémoire),...

[Nguồn tham khảo của toàn bộ phần này: (6)]

2. Hệ thống Chuyển tiếp và Tích luỹ Tín chỉ Châu Âu (ECTS)

[Nguồn tham khảo của toàn bộ phần này: (6,7); các ví dụ được lấy từ chương trình của một số chương trình hiện hành ở các trường đại học Pháp]

Hệ thống Chuyển tiếp và Tích luỹ Tín chỉ Châu Âu, ECTS, được xây dựng từ năm 1989 trong khuôn khổ chương trình Erasmus. Từ khi Tiến trình Bologna ra đời, ECTS đã được xem là một thành tố thiết yếu để thúc đẩy hình thành Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu. ECTS lấy nền tảng là sự minh bạch về mục tiêu đầu ra (learning outcomes) và trong diễn tiến quá trình đào tạo.

2.1. Thời lượng làm việc

Tín chỉ ECTS được tính dựa trên thời lượng làm việc (workload) tiêu chuẩn của người học, qua mọi loại hoạt động cần thiết (như đọc tài liệu, thảo luận, thực hành, làm đề tài, tự học, kiểm tra thi cử,...) để đạt được mục tiêu đầu ra đã nêu trong chương trình đào tạo. Tại Pháp, mỗi năm học được tính 60 tín chỉ, tương đương với 1.800 giờ làm việc của sinh viên. Mỗi tín chỉ tương ứng với 30 giờ làm việc, và mỗi học kì sinh viên phải tích luỹ được 30 tín chỉ. Như vậy, văn bằng cử nhân cần 180 tín chỉ, thạc sĩ cần 120 tín chỉ và tiến sĩ tương đương 180 tín chỉ (Hình 3).

Thời lượng dành cho mỗi môn học hay học phần cần xem xét đủ các mặt sau đây:

  • Thời gian tiếp xúc trực tiếp: số giờ học mỗi tuần x số tuần học;
  • Thời gian cần thiết để tự học hay làm việc nhóm;
  • Thời gian cần thiết để ôn bài và tham gia kiểm tra, thi cử;
  • Thời gian cần thiết cho việc thực tập, kiến tập nếu có yêu cầu trong chương trình.


Hình 3. Số lượng tín chỉ châu Âu (ECTS) theo các phân đoạn đào tạo L-M-D (6)

2.3. Đơn vị kiến thức giảng dạy

Như trên đã nói, chương trình trong mỗi học kì được tổ chức thành các học phần (UE). Mỗi học phần gồm một hay nhiều môn học (EC), được tiến hành dưới một hay nhiều hình thức giảng dạy/học tập khác nhau, như lí thuyết, bài tập, thực hành, thực tập, khoá luận, v.v. Trong thực tế tại các trường đại học Pháp, danh sách các môn học thường ổn định, với từng người phụ trách cụ thể và các phương án giảng dạy cụ thể, nghĩa là phần mô tả chi tiết mục tiêu, nội dung, phương thức học tập và chế độ kiểm tra đánh giá được thể hiện ở cấp độ môn học chứ không phải cấp độ học phần.

Các học phần chuyên môn cũng tương đối ổn định, thường được tổ hợp từ một số môn học chính. Tuy nhiên, cũng có một số học phần có tính linh động cao, được lắp ghép từ nhiều môn học để bổ túc một số kiến thức, kĩ năng cần thiết trong một phân đoạn đào tạo nào đó. Vì vậy, cũng có một số môn học, nhất là những môn có tính phổ quát hoặc liên ngành cao, có thể được ghép vào nhiều học phần khác nhau của các chương trình đào tạo khác nhau (Bảng 1).

Bảng 1. Ví dụ về sự phân bố các đơn vị kiến thức giảng dạy theo mô hình L-M-D tại Pháp

HỌC KÌ 2

1. Khối kiến thức căn bản về ngôn ngữ và văn minh Trung Hoa (24 tín chỉ)

Mô tả

Tín chỉ

Thời lượng

Giáo viên

Năm

Tuần

CHI 1B 01

CHI 1B 01a

CHI 1B 01b

Cấu trúc và thực hành ngôn ngữ viết tiếng Hoa

Văn phạm và giải thích văn bản 4

Đọc hiểu và viết 2

9

4

5

 

26 h

26 h

 

2 h

2 h

 

Drocourt, Arslangul

Fan, Liu Hong, Ma, Sarfis, Yang Na

CHI 1B 02

CHI 1B 02a

CHI 1B 02b

Thực hành nói tiếng Hoa

Nghe hiểu 4

Đàm thoại 4

9

4

5

 

19,5 h

26 h

 

1,5 h

2 h

 

Fan, Liu Hong, Ma, Sarfis, Yang Na

Fan, Liu Hong, Ma, Sarfis, Yang Na

CHI 1B 51

CHI 1B 51a

CHI 1B 51b

Văn minh Trung Hoa

Lịch sử Trung Hoa tiền hiện đại và hiện đại (từ Nguyên đến Thanh)

Kinh tế và xã hội Trung Hoa đương đại

6

3

3

 

26 h

26 h

 

2 h

2 h

 

Galy

Ji

2. Khối kiến thức mở (tự do): 1 EC (3 tín chỉ)

CHI 1 B 04

EC tự do

3

3




[…]

HỌC KÌ 3

3. Khối kiến thức chuyên sâu tự chọn: 2 EC tự chọn (6 tín chỉ)

CHI 2A 56

CHI 2A 56a

CHI 2A 56b

CHI 2A 56c

CHI 2A 56d

CHI 2A 56e

CHI 2A 56f

Chuyên sâu 2 EC tự chọn

Lịch sử và xã hội Trung Hoa cổ đại

Lịch sử nghệ thuật Trung Hoa 1

Nhân học Trung Hoa tổng quát

Lịch sử điện ảnh Trung Hoa

Lịch sử Đài Loan

Cải cách kinh tế và phát triển công nghiệp ở Trung Hoa hiện đại

6

3

3

3

3

3

3

 

26 h

26 h

26 h

19,5 h

19,5 h

19,5 h

 

2 h

2 h

2 h

1,5 h

1,5 h

1,5 h

 

Riboud

Kneib

Capdeville

Prudentino

Ferhat

Ren

Nguồn: Chương trình đào tạo cử nhân ngành “Ngôn ngữ, văn học và văn minh nước ngoài”, chuyên ngành “Tiếng Trung Hoa”, Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO)

Tại các trường đại học Pháp, các học phần thường được tổ chức theo từng khối kiến thức chuyên môn: khối kiến thức cơ sở (UE fondamentales), khối kiến thức bổ sung (UE complémentaires), khối kiến thức chuyên ngành (UE de parcours), khối kiến thức tuỳ chọn (UE optionnelles), khối kiến thức tự do (UE libres).Điều đáng lưu ý hơn là các khối kiến thức này được xây dựng chung cho nhiều ngành hoặc chuyên ngành nhằm tối ưu hoá nguồn lực, đồng thời đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình, cho phép sinh viên dễ dàng định hướng hay thay đổi định hướng của mình trong suốt quá trình học tập (Hình 4).


Hình 4. Ví dụ về việc tổ chức các khối kiến thức trong tiến trình đào tạo L-M-D tại trường Đại học Nice Sophia Antipolis (Pháp)

2.4. Đánh giá và xác nhận kết quả

Việc đánh giá và công nhận kết quả của mỗi môn học hay học phần tại các trường đại học Pháp được thực hiện thông qua hai hình thức chủ đạo là đánh giá thường xuyên (CC – contrôle continu) và đánh giá cuối kì (CT – contrôle terminal). Mỗi giáo viên phụ trách môn học có quyền áp dụng một trong hai, hay cả hai hình thức đánh giá này cho môn học của mình.

Đánh giá thường xuyên bao gồm ít nhất hai mục đánh giá, trong đó mục sau cùng diễn ra khi kết thúc học kì. Các phương thức kiểm tra kiến thức và kĩ năng của người học trong mỗi mục đánh giá thường xuyên giữa học kì có thể là bài thi viết, thi nói, hoặc bài tập, bài thực hành trong các môn có yêu cầu; riêng các bài thi viết phải có giám thị. Mục đánh giá cuối học kì có thể là bài thi viết, thi nói hoặc kết hợp cả hai. Điểm đánh giá cuối cùng được tính theo trung bình cộng của tất cả các mục đánh giá, kể cả bài thi cuối học kì với tỉ lệ do giáo viên quy định, theo thang điểm 20.

Đánh giá cuối kì chỉ bao gồm một bài thi cuối học kì, theo phương thức viết và/hoặc nói, và chiếm tỉ lệ 100 % tổng số điểm cho hình thức đánh giá này. Các bài thi cuối kì được tổ chức thành hai đợt trong cùng một năm học:

  • Đợt 1: khi kết thúc mỗi học kì, ứng với mỗi môn học được giảng dạy;
  • Đợt 2: trong cùng năm học, theo cùng phương thức với đợt 1, dành cho những sinh viên chưa đạt yêu cầu hoặc muốn cải thiện điểm.

Trong trường hợp chỉ đạt một phần trong số các môn học của một học phần, sinh viên không được cấp toàn bộ số tín chỉ của học phần nhưng vẫn được bảo lưu số tín chỉ của các môn học đã đạt trong thời gian năm năm, áp dụng cho cùng phân đoạn đào tạo, dù sinh viên có chuyển sang trường khác. Trong trường hợp phân bổ thời gian học kéo dài hơn quy trình thông thường, hội đồng học vụ sẽ ra quyết định sau mỗi đợt thi (không quá hai đợt mỗi năm).

Văn bằng được cấp cho người học khi đạt đủ số tín chỉ theo các phân đoạn đào tạo quy định, hoặc khi đủ điều kiện bù điểm (compensation). Quy tắc bù điểm có thể được tính cho các môn học trong cùng một học phần, hoặc giữa các học phần trong cùng một học kì, nhưng không được áp dụng cho các môn học thuộc các học phần riêng biệt.

Ngoài ra, còn có một hình thức bù điểm đặc biệt khác, đó là hệ số ưu tiên (correcteur pédagogique).Theo đó, một số môn học có thể được áp dụng hệ số nhân đôi (correcteur pédagogique double) khi tính điểm trung bình cho toàn học phần, hoặc tương tự là hệ số nhân đôi áp dụng cho một số học phần khi tính điểm trung bình toàn học kì.

Ví dụ, Bảng 2 cho biết điểm số của một sinh viên theo chương trình đào tạo đã nêu trong Bảng 1.

Bảng 2. Ví dụ về cách tính điểm theo mô hình L-M-D tại Pháp

Tên học phần và môn học

Số tín chỉ

Điểm

CHI 1B 01

CHI 1B 01a

CHI 1B 01b

Cấu trúc và thực hành ngôn ngữ viết tiếng Hoa

Văn phạm và giải thích văn bản 4

Đọc hiểu và viết 2

9

4

5

(hsưt. 2)

9,14

12

8

CHI 1B 02

CHI 1B 02a

CHI 1B 02b

Thực hành nói tiếng Hoa

Nghe hiểu 4

Đàm thoại 4

9

4

5

9,78

12

8

CHI 1B 51

CHI 1B 51a

CHI 1B 51b

Văn minh Trung Hoa

Lịch sử Trung Hoa tiền hiện đại và hiện đại (từ Nguyên đến Thanh)

Kinh tế và xã hội Trung Hoa đương đại

6

(hsưt. 2)

3

3

15

 

14

16

CHI 1 B 04

EC tự do

3

3

14

14

Quy tắc tính bù điểm cho sinh viên này là như sau:

  • Các môn học CHI 1B 51a vàCHI 1B 51b không bù được cho các môn học CHI 1B 01b và CHI 1B 02b;
  • Môn học CHI 1B 02a bù được cho môn học CHI 1B 02b: [(12 x 4) + (8 x 5)] / 9 = 9,78;
  • Môn học CHI 1B 01a bù được cho môn học CHI 1B 01b: [(12 x 4) + (8 x 5) x 2] / 14 = 9,14;
  • Các học phần CHI 1B 51 và CHI 1 B 04 bù được cho các học phần CHI B 01 và CHI B 02: {(9,14 x 9) + (9,78 x 9) + [(15 x 6) x 2] + (14 x 3)}/27 = 14,5.

3. Hệ thống tín chỉ Việt Nam và hướng tích hợp ECTS vào công tác quản lí học vụ

3.1. Hệ thống tín chỉ Việt Nam

Ở Việt Nam, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở bậc đại học và cao đẳng được triển khai từ năm 2007 theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT (8). So với hệ thống tín chỉ châu Âu, quy định của Việt Nam, qua “Quy chế 43”, có nhiều điểm khác biệt căn bản.

Trước tiên, cơ cấu giáo dục đại học Việt Nam gồm bốn bậc với độ dài không ổn định, ngay cả bên trong từng bậc (9,10):

  • cao đẳng: từ hai đến ba năm;
  • đại học: từ bốn đến sáu năm;
  • thạc sĩ: từ hai đến ba năm;
  • tiến sĩ: từ hai đến ba năm.

Điều đáng lưu ý là Quy chế 43 chỉ mới áp dụng hệ thống tín chỉ cho hai bậc đào tạo cao đẳng và đại học mà chưa áp dụng cho bậc thạc sĩ.

Thứ hai, thời lượng làm việc áp dụng cho mỗi tín chỉ có mức độ phân bổ rất rộng tuỳ theo thể loại hoạt động học tập: 15 tiết khi học lí thuyết và 30-45 tiết khi học thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận (mỗi tiết 50 phút); 45-90 giờ thực tập tại cơ sở; 45-60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp. Ngoài ra, Quy chế 43 lại còn quy định thêm ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân đối với các học phần lí thuyết, thực hành hoặc thí nghiệm. Như vậy, một tín chỉ Việt Nam đòi hỏi tối thiểu 42,5 giờ làm việc của sinh viên (đối với các môn lí thuyết). Đối với các môn thuộc những thể loại còn lại, mỗi tín chỉ yêu cầu sinh viên làm việc ít nhất từ 45 giờ (thực tập, tiểu luận, bài tập lớn, đồ án, khoá luận) đến 55 giờ (thực hành, thí nghiệm, thảo luận). Ngay bên trong từng thể loại “phi lí thuyết” thì thời lượng làm việc yêu cầu đối với một tín chỉ giữa môn này với môn khác vẫn có thể dao động từ khoảng 20 % đến 50 %.

Thứ ba, ngoài hai học kì chính hàng năm, Việt Nam lại cho phép tổ chức một học kì phụ mỗi năm, với tối đa 5 tuần thực học và 1 tuần thi. Không những thế, tổng thời gian để sinh viên hoàn thành một chương trình đào tạo còn có thể được kéo dài từ 2 đến 6 học kì, tuỳ độ dài thiết kế chương trình ở mỗi bậc đào tạo. Sau khi kết thúc toàn bộ chương trình học, sinh viên bậc cao đẳng có thể đạt từ 60 đến 90 tín chỉ, và bậc đại học từ 120 đến trên 150 tín chỉ.

Thứ tư, cấu phần cơ sở của chương trình đào tạo mô tả trong Quy chế 43 là học phần, với khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ. Kết quả học tập được quản lí riêng rẽ theo từng học phần, nếu không đạt thì phải học lại. Vấn đề là cách tính điểm theo Quy chế 43 tương đối rườm rà và phức tạp:

  1. từ các mục điểm thành phần thuộc thang điểm 10 đổi sang thang điểm chữ A-B-C-D-F cho cả học phần;
  2. từ thang điểm chữ A-B-C-D-F của mỗi học phần, quy sang thang điểm 4 để tính điểm trung bình chung học kì và trung bình chung tích luỹ.

Sự quy đổi thang điểm này dẫn đến hệ quả là mức độ sai số xảy ra sẽ rất lớn, vì hai sinh viên có kết quả khác nhau khá rõ trên thang điểm 10 (ví dụ 7,0 và 8,4) vẫn có thể thuộc cùng mức điểm chữ (B), trong khi hai sinh viên khác không cách biệt nhau nhiều (ví dụ 5,4 và 5,5) lại có thể thuộc về hai nhóm điểm chữ khác nhau (D và C) dẫn đến chênh lệch đến 1 điểm (trên tổng số 4 điểm) trong điểm trung bình tích luỹ.

Cuối cùng, các điều kiện công nhận kết quả theo Quy chế 43 nhìn chung là khá thoáng. Sinh viên bình thường chỉ bị bắt buộc học tối thiểu 14 tín chỉ/học kì, trong khi sinh viên xếp loại yếu thì mỗi học kì chỉ được đăng kí tối tiểu 10 tín chỉ và tối đa 14 tín chỉ. Điểm trung bình học kì không có tác dụng hạn chế hay kiểm soát tiến trình học của sinh viên, trừ trường hợp bị buộc thôi học, khi điểm bình quân các học phần thấp hơn 0,8-1,1 (tuỳ từng học kì) theo thang điểm 4, tức khoảng 3-5 theo thang điểm 10, hoặc điểm trung bình chung tích luỹ thấp hơn 1,2-1,8 (tuỳ từng năm) theo thang điểm 4, tức khoảng tức khoảng 3,3-4,95 theo thang điểm 10. Như thế, sinh viên có thể “nợ” các học phần không đạt (điểm F, tức 1-3/10) cho đến học kì cuối cùng trong thời hạn cho phép, miễn là điểm trung bình chung học kì hoặc tích luỹ không quá thấp.

3.2. Hướng tích hợp ECTS vào công tác quản lí học vụ tại Việt Nam

Trong dự án “Nghiên cứu và triển khai hệ thống thông tin quản lý đào tạo ScolariX”, mục tiêu đặt ra là thí điểm tổ chức lại bốn chương trình đào tạo sau đại học theo mô hình L-M-D của Pháp. Tuy nhiên, qua phân tích như trên thì thấy rõ rằng hệ thống tín chỉ Việt Nam chỉ mới dừng lại ở hình thức, nhưng chưa thể hiện được bản chất tín chỉ là những đơn vị có giá trị tương đương về mục tiêu đào tạo (chuẩn đầu ra), nội dung và thời lượng học tập, có thể chuyển đổi được giữa nhiều trường với nhau trong một hay nhiều quốc gia (11).

Nguyên nhân có thể có rất nhiều, ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài này, có một yếu tố quan trọng được tập trung xem xét, đó là sự thiếu rõ ràng giữa hai khái niệm học phần và môn học trong hệ thống tín chỉ Việt Nam. Điều 3 của Quy chế 43 xác định rằng “học phần được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học”. Như vậy, học phần lớn hơn môn học hay môn học lớn hơn học phần? Có thể thấy, trong thực tế tổ chức đào tạo, khái niệm học phần trong Quy chế 43 gần như được hiểu mặc định là môn học trong ngôn ngữ thông thường của cả người dạy lẫn người học. Cấu trúc chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Việt Nam thiếu ít nhất một bậc trung gian giữa các khối kiến thức và các môn học so với hệ thống L-M-D ở Pháp (Bảng 3). Bên cạnh đó, tính chất phân hoá chuyên ngành trong hệ thống đào tạo tín chỉ Việt Nam còn khá mờ nhạt, các khối kiến thức chưa được tổ chức thực sự chặt chẽ để tạo ra sự định hướng rõ ràng, sinh viên có thể tự do lựa chọn các tổ hợp môn học rất khác nhau nhưng tất cả đều ra trường với cùng một văn bằng như nhau.

Bảng 3. So sánh cấu trúc hệ thống tín chỉ Việt Nam và Pháp

Cấp độ

Hệ thống tín chỉ Việt Nam

Ghi chú

Hệ thống L-M-D Pháp

Ghi chú

1

Chương trình

 


Chương trình

 


2

Khối kiến thức

 


Phân đoạn (parcours)

Đơn vị liên thông giữa các phân ngành, chuyên ngành và chương trình

3

Học phần /
Môn học

 


 


Không phân định rõ ràng. Khối lượng 2-4 tín chỉ



Khối kiến thức

Đơn vị giao thoa giữa phân đoạn và UE

4

Học phần
(unité d'enseignement – UE)

Đơn vị chuyển đổi giữa các trường. 2-9 tín chỉ

5

Môn học
(élément constitutif – EC)

Đơn vị dạy-học thực sự. Một EC có thể được tích hợp vào nhiều UE

Kiểm soát

Theo học phần/môn học. Không thi lại. Không hạn chế theo điểm trung bình học kì. Được “nợ” đến học kì cuối cùng

Theo UE. Được thi lại. Có cơ chế bù điểm giữa các EC của cùng UE và giữa các UE của cùng học kì. Hạn chế theo điểm trung bình học kì. “Nợ” không quá 1 học kì

Do điều chỉnh chương trình đào tạo là một việc quan trọng và phức tạp, liên quan đến các cấp độ tổ chức khác nhau trong trường đại học ở Việt Nam, nên để đảm bảo không gây xáo trộn lớn so với truyền thống và thói quen đã có mà vẫn đạt được mục tiêu thí điểm tích hợp ECTS vào công tác quản lí học vụ tại Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số quy tắc sau:

  1. Tạm thời quy ước đơn vị dạy-học tối thiểu là môn học, như thông lệ tại Việt Nam và tương ứng với EC của Pháp.
  2. Các môn học hiện hành còn nằm rời rạc và tương đối tự do, cần được tổ chức lại thành từng nhóm môn học có nội dung gần gũi nhau, với tổng số lượng tín chỉ dao động khoảng từ 4 đến 9 (một số môn 2-3 tín chỉ có thể giữ lại độc lập khi cần thiết). Tạm quy ước các nhóm môn học này là học phần, tương ứng với UE của Pháp.
  3. Mỗi học phần mới lập ra này được đặt một tên riêng, khái quát hơn, có tính chất tổng hợp tất cả các môn học cấu phần bên trong.
  4. Mã môn học hiện hành được giữ nguyên cho môn học trong cấu trúc mới. Còn học phần trong cấu trúc mới sẽ được đặt mã mới sao cho phù hợp.
  5. Các học phần mới được sắp xếp theo trật tự trước sau một cách hợp lí, tạo sự liên tục trong tiến trình học tập của sinh viên, từ khối kiến thức cơ bản đến kiến thức chuyên ngành, từ cơ sở đến nâng cao, từ bắt buộc đến tuỳ chọn và tự do.
  6. Từ khi bắt đầu phân hoá theo các khối kiến thức chuyên ngành tự chọn, chú ý tạo ra các định hướng chuyên ngành khác nhau để hạn chế tình trạng lựa chọn môn học quá tự do và phân tán./.

Tài liệu tham khảo

  1. The Bologna Declaration of 19 June 1999. Joint declaration of the European Ministers of Education. Bologna; 1999.
  2. Eurydice. Focus on higher education in Europe 2010: the impact of the Bologna Process. Brussels, Belgium: Education, Audiovisual and Culture Executive Agency; 2010. 158 p.
  3. The Bologna Process - Towards the European Higher Education Area [Internet]. European Commission. 2013 [tham khảo ngày 10/11/2013]. Truy cập tại: http://ec.europa.eu/education/higher-education/bologna_en.htm
  4. European Parliament, Council of the European Union. Recommendation of the European Parliament and of the Council of 23 april 2008 on the establishment of the european qualifications framework for lifelong learning. 2008/C 111/01 23/04/2008.
  5. Mignot-Gérard S, Musselin C. Chacun cherche son LMD : L’adoption par les universités françaises du schéma européen des études supérieures en deux cycles [Internet]. École supérieur de l’éducation nationale; 2005 [tham khảo ngày 10/11/2013]. Truy cập tại: http://www.esen.education.fr/fileadmin/user_upload/Modules/Ressources/Conferences/flash/07-08/c_musselin_lmd/medias/c_musselin_doc.pdf
  6. Gourène G, Zorobi IA, Bekro Y-A. Aperçu de la réforme Licence–Master–Doctorat (LMD) [Internet]. Ehilé EE, éditeur. Abidjan, Côte d’Ivoire: Université d’Abobo-Adjamé - Université de Bouaké - Université de Cocody; 2006. Truy cập tại: http://uam.refer.ne/IMG/pdf/Apercu_LMD.pdf
  7. European Communities. ECTS users’ guide. Office for Official Publications of the European Communities. Brussels: Office for Official Publications of the European Communities; 2009. 60 p.
  8. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/08/2007.
  9. Luật giáo dục. Số 38/2005/QH11. Ban hành ngày 14/06/2005.
  10. Luật giáo dục đại học. Số 08/2012/QH13. Ban hành ngày 18/06/2012.
  11. Zjhra M. Chuyển sang học chế tín chỉ: Cần thay đổi chương trình đào tạo và vai trò của giáo viên [Phạm Thị Ly dịch]. Hội thảo khoa học “Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ”, Đại học Đà Nẵng: Ban Liên lạc các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam; 2009. tr. 126 34.


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm