KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

An toàn dạy học trực tuyến và công bằng giáo dục

Đại dịch COVID-19 từ hơn một năm qua đã gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng trong mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có giáo dục. Theo UNICEF[1], hơn 1 tỉ trẻ em toàn cầu đã phải đối diện với những nguy cơ tụt lại phía sau về mặt giáo dục do trường học đóng cửa nhằm ngăn ngừa sự lan toả của dịch bệnh và ứng phó bằng các biện pháp dạy học từ xa khác nhau. Đến nay, Việt Nam là một nước hiếm hoi đã có 2 trường hợp tử vong liên quan đến an toàn thiết bị dạy học trực tuyến. Ý thức an toàn khi sử dụng thiết bị điện tử dĩ nhiên là một nguyên nhân quan trọng. Nhưng phía sau, có một vấn đề khác cần xem xét một cách thẳng thắn hơn: công bằng trong giáo dục.

[Bản thảo gốc bài viết Tránh xảy ra tai nạn khi dạy học trực tuyến đăng trên báo Thanh Niên, số 280 ngày 25/10/2021 (trang 17), với một số chỗ biên tập và rút gọn theo yêu cầu dàn trang của toà soạn.]

Tôi xin bắt bài viết đầu bằng một trải nghiệm của bản thân. Năm học 2006-2007, tôi theo học chương trình cao học “Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và đào tạo” do ĐH Strasbourg (Pháp) phối hợp với ĐH Genève (Thuỵ Sĩ) và ĐH Mons-Hainaut (Bỉ) tổ chức hoàn toàn từ xa. Sau khi kết thúc các học phần lí thuyết, tôi làm luận văn tốt nghiệp và chuẩn bị bảo vệ vào tháng 09/2007. Ở thời điểm đó, Việt Nam đã có một tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông nhanh chóng. Trung tâm thi quản lí quá trình học tập của tôi đã có một hệ thống hội thảo truyền hình (videoconference) chuyên dụng và tôi nghĩ rằng mình có thể được bảo vệ bằng phương tiện hiện đại này.

Thế nhưng, quyết định của ĐH Strasbourg đưa ra là tôi bảo vệ luận văn bản hội thảo truyền thanh (audioconference) thông qua điện thoại cố định tại trung tâm thi uỷ nhiệm. Lí do chính là, lớp tôi học có hơn 20 sinh viên tại nhiều quốc gia, và có một số sinh viên không có điều hiện sử dụng hội thảo truyền hình vì trung tâm thi uỷ nhiệm nơi họ đến bảo vệ không có thiết bị. Tổ chức bảo vệ luận văn bằng hội thảo truyền thanh tại tất cả các trung tâm thi uỷ nhiệm cho phép bảo đảm một điều kiện công bằng tối thiểu giữa mọi sinh viên trong lớp học, với điều kiện thực hiện tương đồng và các tiêu chí đánh giá nhất quán như nhau.

Nguyên tắc công bằng tối thiểu trong giáo dục này cũng tương tự như “quy luật tối thiểu” (law of the minimum)[2] trong lĩnh vực nông sinh học. Theo đó, năng suất cây trồng bị giới hạn bởi những yếu tố dinh dưỡng đầu tiên bị thiếu hụt, gọi là nhân tố giới hạn. Để nâng cao năng suất cây trồng cần phải bổ sung các nhân tố giới hạn; nếu chỉ tập trung vào việc tăng cường các thành phần dinh dưỡng vốn đã có đầy đủ thì chỉ gây thêm phung phí thậm chí ô nhiễm. Một cách hình tượng, nhân tố giới hạn trong nông sinh học hay trong giáo dục có thể được biểu diễn dưới dạng hình vẽ một chiếc thùng gỗ chứa nước có các thanh ghép dọc thân dài ngắn khác nhau. Mực nước trong thùng chỉ có thể đạt tối đa ngang bằng với đỉnh của thanh ghép thấp nhất.

Hình minh hoạ quy luật về nhân tố giới hạn (Nguồn: Wikipedia)

Quay lại câu chuyện dạy học trực tuyến ứng phó với đại dịch COVID-19, kết quả thống kê của UNICEF vào tháng 04/2020 cho thấy 31 % trẻ em toàn cầu (463 triệu) không có điều kiện tiếp cận với các chương trình dạy học từ xa qua truyền hình, truyền thanh hay Internet do thiếu các máy móc thiết bị cần thiết tại nhà, hoặc không thuộc nhóm đối tượng được quan tâm trong quyết định chính sách dạy học từ xa[3]. Trong các khuyến cáo về chính sách dạy học từ xa ứng phó với đại dịch COVID-19 của UNESCO dành cho chính phủ các nước[4], hỗ trợ các nhóm yếu thế là một trong những nội dung quan trọng. Theo đó, quyết định lựa chọn một hệ thống dạy học trực tuyến có yêu cầu công nghệ cao hay thấp cần phải dựa trên mức độ sẵn sàng về điều kiện tiếp cận cũng như kĩ năng sử dụng phương tiện thiết bị công nghệ không chỉ của nhà trường, giáo viên, nhà cung cấp dịch vụ mà cả của gia đình người học.

Về mặt phương pháp, UNESCO khuyến cáo đa dạng hoá các hình thức chuyển tải nội dung học tập dành cho người học. Đó có thể là các hệ thống truyền hình và truyền thanh (ở những nơi có hạ tầng CNTT hạn chế) hay các hệ thống dạy học trực tuyến, bài giảng video và mạng xã hội (ở nơi có điều kiện kết nối Internet tốt), hoặc gửi tài liệu in qua bưu điện, thậm chí tận dụng hệ thống tin nhắn và các ứng dụng điện thoại di động. Tải lượng học tập từ xa cần duy trì ở mức vừa đủ, ưu tiên các phương pháp hướng dẫn tự học tài nhà với sự hướng dẫn của người lớn, giảm thiểu thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính, với thời gian thiết kế cho bài học không quá 25 phút đối với học sinh tiểu học và 40 phút đối với học sinh trung học.

So với các khuyến cáo nói trên, hiện tượng dễ dàng quan sát thấy trong cách dạy học trực tuyến tại các trường học Việt Nam trong thời gian qua là tình trạng lạm dụng cách dạy học trực tuyến đồng bộ thông qua lớp học ảo (virtual classroom) hay hội thảo truyền hình, đòi hỏi có sự tiếp xúc đồng thời giữa giáo viên với người học. Lí do khá đơn giản: nhà quản lí muốn điểm danh cả giáo viên lẫn người học theo thời gian thực, tức bê nguyên lớp học tập trung lên mạng, vì đó là minh chứng duy nhất cho thấy giáo viên có dạy và người học có học. Xét trên phương diện công bằng, cách dạy học trực tuyến đồng bộ này chỉ phù hợp khi toàn bộ người học có máy tính cá nhân với cấu hình và phụ kiện cùng băng thông kết nối Internet đủ để truyền tín hiệu âm thanh hình ảnh ở mức chất lượng ngang nhau.

Thế nhưng, yếu tố công bằng này đã hoàn toàn bị bỏ qua, một mặt vì áp lực điểm danh theo mô hình lớp học truyền thống, mặt khác vì có một bộ phận không nhỏ nhà quản lí, giáo viên và cả phụ huynh luôn nghĩ rằng không có giáo viên giảng giải trực tiếp thì người học sẽ không hiểu bài, không thể tự học. Khi buộc phải có mặt trong lớp học ảo mà không có máy tính, người học đành phải dùng điện thoại di động. Môn nào cũng dạy qua lớp học ảo nên người học phải dùng điện thoại di động liên tục nhiều giờ liền mỗi ngày. Dù điện thoại có chất lượng đến đâu thì cũng sẽ mau chóng hết pin, mà vì vắng mặt sẽ bị phạt lỗi nên buộc người học phải vừa sạc pin vừa học. Tần suất người học vừa cắm pin sạc vừa học càng lớn thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Mọi lời khuyên về biện pháp phòng ngừa hay về ý thức an toàn thiết bị trong trường hợp này đều không có tác dụng, vì đã bị áp lực điểm danh vô hiệu hoá.

Không chỉ vậy, điểm danh theo thời gian thực còn tạo áp lực lên chính giáo viên. Họ phải vừa làm việc đủ thời gian như dạy học tập trung, vừa phải bỏ thêm thời gian ngoài giờ để phối hợp với gia đình hỗ trợ, hướng dẫn học sinh, giao bài tập, chấm điểm, v.v. mà hầu như không được tính công. Quan niệm giản đơn của một số phụ huynh cũng “thêm dầu vào lửa” khi cho rằng giáo viên không dạy qua lớp học ảo cũng đồng nghĩa với không làm việc, cần phải giảm bớt tiền công. Do đó mà biện pháp dễ nhất là nhắm mắt bỏ qua yếu tố công bằng và hiệu quả, tự ru lòng nhau rằng bê nguyên lớp học tập trung lên mạng là đủ để ứng phó với tình huống bất khả kháng này. Rồi tai nạn có xảy ra là do xui rủi hay do ý thức an toàn của nạn nhân, chứ không phải do một lựa chọn sai lầm từ gốc.

Về giải pháp, dạy học trực tuyến an toàn và công bằng trong điều kiện Việt Nam hiện nay không khó. Hạ tầng viễn thông và điều kiện tiếp cận các thiết bị di động rộng khắp là yếu tố vô cùng thuận lợi cho việc đa dạng hoá các nguồn cung cấp tài nguyên học liệu và hoạt động học tập cá nhân hoá, vốn rất cần thiết trong dạy học từ xa. Giả sử một môn học có thời lượng 2 tiết/tuần, giáo viên có thể dành 1 tiết để biên soạn lại tài nguyên học liệu dưới dạng đọc-hiểu (văn bản có minh hoạ), nghe-hiểu (audio), xem-hiểu (video) nhằm cung cấp cho người học tự học qua các kênh khác nhau (Internet, Web, LMS, ứng dụng di động…) Thời gian 1 tiết còn lại tổ chức lớp học ảo hàng tuần, nhưng không phải giảng lại bài, mà giải thích, hướng dẫn, thảo luận các vấn đề người học không tự giải quyết được một mình.

Khi đó, thời lượng học đồng bộ mỗi tuần đã có thể giảm đi phân nửa, mà giáo viên vẫn được tính công đầy đủ (2 tiết/tuần). Người học bớt phải dán mắt liên tục lên màn hình theo khung giờ cố định mỗi ngày, mà có thể rải đều thời gian tự học theo hướng dẫn vào các thời điểm khác nhau trong ngày hay trong tuần. Điện thoại di động không thích hợp để ngồi nghe giảng trực tiếp với khả năng tiếp nhận và tương tác hạn chế, nhưng có thể thích hợp để xem các bài giảng video, đọc tài liệu, làm bài tập trắc nghiệm tương tác,… Các bài tập tự luận thì chỉ cần viết ra giấy thông thường và nộp bằng nhiều cách khác nhau. Thậm chí vẫn có thể soạn trực tiếp trên điện thoại để nộp dưới dạng điện tử nếu yêu cầu về khối lượng nội dung và thời gian thích hợp.

Tương tự, môn học 3 tiết/tuần cũng có thể giảm thời gian học đồng bộ xuống còn 1/3 và dành 2/3 thời lượng cho hoạt động tự học có hướng dẫn. Môn học 1 tiết/tuần thì có thể ghép bài, mỗi 2 tuần có 1 tiết học đồng bộ và 1 tiết tự học. Giáo viên sẽ có đủ thời gian soạn tài nguyên học liệu chu đáo. Người học sẽ linh hoạt được thời gian học tập, gia đình phối hợp dễ dàng hơn. Nhu cầu băng thông và thời gian truy cập các lớp học ảo sẽ giảm từ ½ đến 2/3. Các rủi ro tai nạn do thiết bị không phù hợp sẽ giảm đi đáng kể. Yêu cầu thiết bị tối thiểu mà mỗi gia đình cần có là một điện thoại di động thông minh có cấu hình vừa phải là không quá tầm tay.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ngoài tăng cường các chương trình hỗ trợ băng thông kết nối hoàn toàn có thể mở thêm các chương trình cung cấp thiết bị với giá ưu đãi cho các gia đình khó khăn… Nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội sẽ góp phần bảo đảm các điều kiện công bằng tối thiểu cho cách thức dạy học trực tuyến linh hoạt nói trên. Nhưng quyết định cuối cùng thực ra là nằm trong tay các nhà quản lí giáo dục: bao giờ gỡ bỏ yêu cầu điểm danh dạy học trực tuyến theo thời gian thực?


[1] UNICEF. (2020/09). Education and COVID-19. UNICEF DATA. https://data.unicef.org/topic/education/covid-19/

[2] Do nhà nông học người Đức Carl Sprengel (1878-1859) phát minh, sau đó được nhà hoá học cũng người Đức Justus von Liebig (1803-1873) phát triển và phổ biến.

[3] UNICEF. (2020/08). Covid-19 and school closures: Are children able to continue learning during school closures? UNICEF DATA. https://data.unicef.org/resources/remote-learning-reachability-factsheet/

[4] UNESCO. (2020). Distance learning strategies in response to COVID-19 school closures (UNESCO COVID-19 Education Response - Issue Note 2.1; p. 8). UNESCO. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373305



Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm