KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Lớp học trực tuyến an toàn và hiệu quả: Từ phương pháp, kĩ năng đến nền tảng công nghệ

Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu theo cách không thể đặc biệt hơn. Học sinh TP. HCM thay vì học trực tiếp đã phải chuyển sang học online để phòng chống dịch. Bối cảnh mới buộc thầy và trò phải cùng nhau thay đổi và tương thích. Tuy nhiên để việc học online sao cho an toàn và hiệu quả với học sinh là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

[Bản thảo gốc bài phỏng vấn Lớp học online an toàn và hiệu quả: Từ phương pháp, kỹ năng đến nền tảng công nghệ đăng trên tạp chí Giáo dục và Thời đại, số 224 ngày 18/09/2021 (trang 4-5), với một số chỗ biên tập và rút gọn theo yêu cầu dàn trang của tạp chí]

GD&TĐ: Ông đánh giá thế nào về sự chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến hiện nay của các trường? Vấn đề chưa ổn cần phải khắc phục hiện nay?

NTĐ: Trước tiên, cần ghi nhận sự nỗ lực to lớn và nhiệt tình của các trường học và thầy cô giáo, cũng như tuân thủ của học sinh và sự hợp tác gia đình để triển khai dạy học trực tuyến rộng khắp trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rõ một xu hướng dạy học trực tuyến một cách máy móc thông qua các lớp học ảo. Tức là, từ chương trình, nội dung đến phương pháp cũng như quy tắc quản lí hầu như không thay đổi gì đáng kể so với lớp học truyền thống, người ta có kì vọng phải đạt được hiệu quả ngang bằng, thậm chí cao hơn trong lớp học trực tuyến.

Trong câu hỏi có một từ rất đắt, đó là “chuyển đổi”. Tức là, khi môi trường dạy học thay đổi thì cần phải chuyển đổi phương pháp cho phù hợp với môi trường mới để bảo đảm khả năng đạt được cùng mục tiêu. Ở đây, người ta gần như không chuyển đổi gì cả, mà gần như bê nguyên lớp học truyền thống đưa lên lớp học trực tuyến. Sự thay đổi nếu có cũng chỉ là rất nhỏ, mang tính ứng phó hình thức bằng các mưu mẹo hay công cụ phụ trợ hoạt náo trong một không gian ảo.

Rất tiếc là, sự khác biệt giữa hai môi trường trực diện và trực tuyến là vô cùng lớn. Những thay đổi nhỏ nhặt đó sẽ không đủ để khắc phục rất nhiều những trở ngại phức tạp nảy sinh từ cả năm loại rào cản: không gian, thời gian, công nghệ, tâm lí, kinh tế-xã hội. Nếu muốn dạy học trực tuyến hiệu quả, cả nhà quản lí lẫn giáo viên và người học cần phải chuyển đổi những gì cần thiết trong phạm vi công việc của mình để khắc phục tối đa đồng thời cả năm loại rào cản này.

GD&TĐ: Theo ông, việc chuyển đổi bài giảng từ trực tiếp sang online cần thực hiện ra sao cho phù hợp, nhất là với học sinh lần đầu học online như lớp 1?

NTĐ: Từ cách tiếp cận máy móc nói trên, người ta có xu hướng cho rằng cấp học này không phù hợp, lớp học kia không phù hợp, môn học nọ không phù hợp với dạy học trực tuyến. Đó cũng là một nhầm lẫn đáng tiếc!

Sự khác biệt cơ bản giữa dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến là phương tiện và cách thức giao tiếp. Và mỗi phương tiện giao tiếp phục vụ một hoạt động cụ thể, có thể có hiệu quả cao hay thấp với cách thức giao tiếp trực diện hay từ xa, đồng bộ hay không đồng bộ. Do đó, về mặt phương pháp, cần phải đặt câu hỏi: hoạt động dạy học nào phù hợp với phương tiện và cách thức giao tiếp nào?

Ví dụ, hoạt động giảng bài có tương tác sẽ phù hợp với cách thức giao tiếp trực diện, mặt đối mặt ở cự li gần, số lượng ít trong không gian hẹp (lớp học vài chục người học). Hoạt động thuyết giảng ít tương tác có thể phù hợp với cách thức giao tiếp trực diện nhưng với số lượng đông trong không gian rộng (giảng đường, hội trường vài trăm người nghe). Nhưng cả hai hoạt động giảng bài hay thuyết giảng này đều có hạn chế lớn nhất là thời gian bó buộc, nên khả năng đào sâu, mở rộng vấn đề hay tương tác tích cực với từng cá nhân bị hạn chế.

Với học sinh lứa tuổi nhỏ, tuy có nhiều hạn chế nhưng vẫn có thể có nhiều hoạt động trực tuyến phù hợp. Trẻ em ngay cả tuổi sơ sinh vẫn dễ dàng say mê với các đoạn phim ngắn vui vẻ, hài hước, có tính giáo dục cao. Họp đồng bộ nhưng không phải để giảng bài mà để đối thoại, vui đùa, hướng dẫn trực tiếp các kĩ năng khác nhau thì học trò vẫn sẽ yêu thích. Điều quan trọng nhất là họ phải thay đổi tư duy, và được phép tuỳ biến, sáng tạo, linh hoạt chứ không bị đóng khung bó buộc theo một khuôn khổ cứng nhắc.

GD&TĐ: Có một thực tế đã từng xảy ra tại các lớp học online khi các đối tượng lạ xâm nhập phòng học và đưa các clip nhạy cảm lên? Theo ông để hạn chế lỗ hổng về công nghệ, cũng như bảo vệ học sinh thì giáo viên và nhà trường cần làm gì?

NTĐ: Chính vì tư duy máy móc, biến cả nước thành lớp học ảo, nên đó là “miếng mồi ngon” cho những hiện tượng xâm nhập, quấy phá nói trên. Một trường học vật lí được xây dựng với tất cả những quy định về an toàn công trình, với đầy đủ lực lượng bảo vệ, với nội quy trường lớp cũng như văn hoá học đường tích luỹ từ bao nhiều thế hệ mà đôi khi vẫn có sự cố về an ninh. Ở đây cả nước đồng loạt biến thành trường học ảo, lớp học ảo với vài công cụ chung phổ biến, trong khi tất cả các điều kiện cần thiết khác về an ninh mạng, về an toàn máy tính, về quy tắc quản lí, về thói quen làm việc… đều khiếm khuyết, những sự cố như trên là khó tránh khỏi.

Một điểm khác đáng quan tâm là, các hệ thống công nghệ lớn trên thế giới hầu như đều do các nước Âu-Mĩ phát triển. Luật pháp của các quốc gia khởi sinh các hệ thống này quy định rất chặt chẽ việc tạo tài khoản sử dụng đối với trẻ em dưới 13 tuổi. Ở Việt Nam, rất nhiều cha mẹ lẫn thầy cô giáo yêu cầu hay cho phép con em mình khai báo gian lận tuổi để tạo các tài khoản riêng và tự do sử dụng. Về mặt luật pháp, đây là sai phạm; về mặt giáo dục, đây là điều không nên khuyến khích.

Rất tiếc là trong nhiều quyết định triển khai ứng dụng công nghệ, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh dưới 13 tuổi, hầu như các nhà giáo dục trong nước đều bỏ qua hay xem nhẹ yếu tố này. Nên nếu muốn nói đến an toàn về công nghệ, điều trước tiên cần làm là cần tuân thủ tối đa các quy định luật pháp hiện hành về công nghệ, như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng… Khi luật pháp trong nước còn khoảng trống, thì phải tôn trọng các quy định quốc tế và quy tắc của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ có liên quan đến những khoảng trống đó.

GD&TĐ: Việc học online với học sinh thực tế vẫn có nhiều nguy cơ khi thiếu sự quan tâm, giám sát từ cha mẹ? ông đánh giá thế nào về vai trò hỗ trợ của phụ huynh với học sinh?

NTĐ: Sự quan tâm giám sát và hỗ trợ của cha mẹ luôn cần thiết. Nhưng họ không thể thay thế vai trò của nhà trường. Ví dụ, có những cha mẹ không muốn cho con mình tạo tài khoản e-mail của Google khi chưa đủ 13 tuổi, nhưng đành bất lực khi thầy cô giáo yêu cầu học trò tự tạo tài khoản bằng cách khai gian tuổi, để thầy cô giao bài và hướng dẫn học các nội dung cần dùng đến dịch vụ của Google.

Việc máy móc bê nguyên lớp học tập trung lên lớp học ảo trực tuyến dẫn đến tình trạng nhiều cha mẹ không thể ngồi thường trực để giám sát con em suốt các buổi học. Hệ quả là, nhiều học sinh chưa đủ khả năng tự kiểm soát trong không gian mạng sẽ có rủi ro “đi lạc” vào các khu vực nguy hiểm hay không phù hợp với lứa tuổi. Tình trạng này chỉ có thể khắc phục khi nhà giáo dục thực sự thay đổi tư duy về dạy học trực tuyến, để biết chuyển đổi đúng phương pháp và lựa chọn đúng công cụ triển khai.

GD&TĐ: Thực tế, dù chuyển đổi hình thức dạy học như thế nào đi nữa, ứng dụng công nghệ đến đâu thì vai trò của người giáo viên vẫn rất quan trọng. Theo ông để tạo ra động lực tự học cho học sinh giáo viên đứng lớp cần được trang bị những kỹ năng gì?

NTĐ: Câu hỏi đề cập đúng một vấn đề trọng tâm mà ít nhiều bị xao lãng trước muôn vàn khó khăn khác. Trong dạy học trực tuyến, một điều rất trớ trêu là không ít giáo viên không muốn thay đổi phương pháp, chỉ thích truyền thụ kiến thức một chiều mà lại đòi hỏi người học phải chủ động học tập. Chừng nào giáo viên còn nghĩ rằng nếu mình không trực tiếp giảng giải thì học trò sẽ không thể hiểu bài, chừng đó không nên mong đợi rằng học trò sẽ chủ động học tập, dù là trực diện hay trực tuyến.

Ngược lại, hiện có không ít giáo viên biết cách chuyển đổi, sẵn sàng tổ chức nhiều hoạt động không đồng bộ, cho phép người học linh hoạt nhịp điệu học tập tuỳ theo điều kiện thời gian và phương tiện kĩ thuật của mình. Thế nhưng, trớ trêu không kém là họ bị nhà quản lí bắt buộc phải dạy trực tuyến theo lịch cố định đúng ngày đúng giờ như trên lớp học truyền thống. Bởi với họ, điểm danh các buổi học đồng bộ là minh chứng duy nhất cho thấy giáo viên có dạy, học trò có học. Và hệ quả là nảy sinh bao nhiêu vấn đề về về hiệu quả giáo dục, về máy móc thiết bị, về đường truyền, v.v.

GD&TĐ: Hiện các nền tảng học online phần nhiều đang được các nhà phát triển cho sử dụng miễn phí như Zoom, Google Meet, một số trường có điều kiện thì mua bản quyền, ông có cho rằng việc thiếu các yếu tố bảo mật, bảo vệ học sinh từ đơn vị cung cấp là nguy cơ mang đến sự thiếu an toàn cho học sinh, giáo viên không?

NTĐ: Về cơ bản, các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đều phải tuân thủ các quy định luật pháp hiện hành của quốc gia nơi họ có trụ sở chính cũng như quốc gia nơi họ hoạt động. Nhiều nhà cung cấp có các chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực giáo dục. Các cơ sở giáo dục hay cá nhân nhà giáo dục muốn sử dụng một dịch vụ công nghệ nào đó, cần phải hiểu rõ chính sách hỗ trợ của họ cũng như các quy định luật pháp liên quan để ra quyết định lựa chọn cho phù hợp. Mọi vấn đề về an toàn, bảo mật, v.v. nếu có nảy sinh thì cứ dựa vào luật pháp mà xử lí.

GD&TĐ: Khi triển khai việc học trực tuyến, ngoài yếu tố an toàn cho học sinh trước các cám dỗ, nguy cơ xấu đến từ không gian mạng, theo ông một lớp học trực tuyến hiệu quả, an toàn cho học sinh và giáo viên cần những yếu tố nào?

NTĐ: Một cách tổng thể, có nhiều vấn đề cần giải quyết ở ba cấp độ. Trước tiên là cấp độ hệ thống, từ Bộ/Sở đến các cơ sở giáo dục, cần phải cởi bỏ mối ràng buộc “điểm danh” khiến giáo viên phải máy móc bê nguyên lớp học tập trung lên lớp học trực tuyến. Bởi vì, có thể nói đây là rào cản lớn nhất khiến mọi nỗ lực đúng đắn về phương pháp dạy học trực tuyến đều rơi vào bế tắc.

Tiếp theo, ở cấp độ cơ sở giáo dục, cần hiểu rõ các quy định luật pháp liên quan đến dịch vụ và công nghệ dự định sử dụng trong dạy học trực tuyến. Đồng thời phải chú trọng xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn cũng như lực lượng hỗ trợ kĩ thuật một cách bài bản và toàn diện về dạy học trực tuyến.

Ở cấp độ giáo viên, điều cần thiết nhất là thay đổi cách tiếp cận về phương pháp. Họ cần hiểu rằng giảng bài trực tiếp không phải là cách dạy học duy nhất, lại càng không phải là phương pháp thích hợp trong dạy học trực tuyến. Khi đó, cùng với ràng buộc “điểm danh” được gỡ bỏ, họ sẽ có nhiều sáng kiến để đa dạng hoá các cách thức cung cấp tài nguyên học liệu cho người học bằng nhiều phương tiện khác nhau thay vì khư khư giữ vai trò giảng giải truyền thụ kiến thức một chiều.

Một khi giáo viên biết cách tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp, với các công cụ thích hợp, bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi đối với mọi người học, thì sự hợp tác của gia đình sẽ diễn ra tự nhiên. Người học ban đầu có thể chưa quen, bỡ ngỡ, nhưng chắc chắn họ sẽ thích ứng rất nhanh, khi thực sự được thầy cô đặt vào trung tâm quá trình học tập.

Thực hiện: Anh Tú



Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm