KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Bê nguyên bài giảng trên lớp lên truyền hình là ‘đi ngược thời đại’?

Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, các trường ĐH buộc phải tổ chức các kỳ thi theo hình thức trực tuyến. Việc dạy học cũng cần thay đổi để kết quả học tập đạt hiệu quả tốt hơn.

[Bản thảo gốc bài phỏng vấn Bê nguyên bài giảng trên lớp lên truyền hình là ‘đi ngược thời đại’? đăng trên báo Thanh Niên ngày 03/09/2021, với một số chỗ biên tập lại cho gọn theo yêu cầu dàn trang của báo]

- TN: Theo ông vấn đề chưa ổn của việc tiếp cận dạy học trực tuyến hiện nay theo ông là gì?

- NTĐ: Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái cho đến nay, có thể nhận thấy có một xu hướng ở nhiều trường học thuộc mọi bậc học, đó là bê nguyên bài giảng trên lớp lên trên mạng hay lên truyền hình. Một mặt, chuyển tải bài giảng trên truyền hình là một trong những cách làm được các tổ chức giáo dục quốc tế như UNESCO tổng hợp thành kinh nghiệm tốt chia sẻ giữa các quốc gia. Nhưng mặc khác, đây là cách làm dành cho những quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện hạ tầng công nghệ thiếu thốn.

Đối với các quốc gia có hạ tầng viễn thông và Internet tốt, biến sóng truyền hình địa phương hay quốc gia thành các lớp học từ xa hàng ngày hàng giờ sẽ gây tốn kém nhiều chi phí và công sức nhưng hiệu quả rất thấp. Thay vào đó, hoàn toàn có thể đầu tư cho những việc khác có ý nghĩa hơn. Về mặt phương pháp sư phạm, tổ chức giảng bài theo kiểu truyền thống rồi ghi hình và phát trên truyền hình hay Internet thể hiện lối giáo dục truyền thụ một chiều. Trong ứng dụng công nghệ giáo dục tại các nước phát triển, người ta đã thay đổi cách tiếp cận này từ trên dưới 50 năm nay, chúng ta không nên “đi ngược thời đại”.

Ở bậc ĐH, từ nhiều năm qua hầu hết các trường đều có ít nhất một hệ thống quản lí dạy học trực tuyến (LMS). Tuỳ mỗi một trường mà mức độ sử dụng LMS trong các hoạt động dạy học trực tuyến khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung dễ nhận thấy nhất là phần lớn các trường chỉ khai thác những chức năng cơ bản nhất của một hệ thống LMS như cung cấp tài liệu học tập, tạo diễn đàn thảo luận, tổ chức bài tập tự luận hay bài tập trắc nghiệm ở mức đơn giản… Trong khi đó, rất nhiều các loại hình hoạt động học tập đa dạng, có khả năng phát huy tính tích cực chủ động học tập của người học, thì dường như chưa được hiểu rõ và khai thác triệt để.

- TN: Bài giảng ở hình thức dạy học trực tuyến cần được thiết kế ra sao về mặt nội dung, đặc biệt là thời lượng tối đa của mỗi bài giảng, thưa ông?

- NTĐ: Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của tài nguyên học liệu trực tuyến là cần phải được phân đoạn, chia nhỏ. Khi học tập trung, một giáo viên giỏi thuyết giảng có thể nói liên tục hàng giờ mà vẫn thu hút người học. Ngược lại, một giáo viên giảng bài nhàm chán mà nói không nghỉ thì người học sẽ ngủ gục hoặc quay sang làm việc riêng.

Khi học từ xa, môi trường học tập không còn đồng nhất như trên lớp học truyền thống, mà là một sự hoà trộn rất nhiều môi trường riêng biệt của mỗi thành viên. Người học bị rơi vào tình trạng cô độc vì bị tách khỏi môi trường vốn chỉ dành cho học tập, bắt buộc phải tập trung học tập trong khi có rất nhiều rào cản xung quanh. Bê nguyên máy móc những gì làm trong lớp học truyền thống vào lớp học trên mạng sẽ không giúp đạt được kết quả mong đợi.

Do đó, nguyên tắc phân đoạn và chia nhỏ tài nguyên có yêu cầu là mỗi đơn vị tài nguyên học liệu phải được thiết kế sao cho có tính độc lập tương đối. Thời lượng để người học tiếp nhận nội dung cần đủ ngắn, không đòi hỏi người học phải tập trung xem-hiểu, nghe-hiểu hay đọc-hiểu liên tục quá 15 phút. Mỗi phân đoạn tài nguyên học liệu như vậy luôn phải được cung cấp kèm theo các thông tin chỉ dẫn về cách thức sử dụng, hoạt động cần thực hiện sau khi xem/nghe/đọc xong, thời hạn thực hiện, yêu cầu cần đạt, hoặc ít nhất là bài tập kiểm tra đánh giá mức độ hiểu các nội dung cung cấp trong tài nguyên học liệu.

Như vậy, một môn học sẽ có nhiều bài học, một bài học sẽ có nhiều phân đoạn, vừa bảo đảm tính thống nhất hoàn chỉnh, vừa cho phép người học tuỳ nghi sử dụng một cách cơ động, linh hoạt tối đa. Nếu có LMS để tổ chức khai thác các tài nguyên học liệu này một cách chặt chẽ thì quá tốt. Nếu không thì vẫn có thể cung cấp cho người học dưới nhiều hình thức khác nhau (e-mail, website, blog, mạng xã hội, ứng dụng di động...) Người học không bắt buộc phải tập trung cùng lúc để nghe giáo viên giảng bài theo lịch cố định, hoạt động dạy và học không quá lệ thuộc vào một phương tiện duy nhất. Những khó khăn về trang thiết bị, máy móc, hạ tầng công nghệ sẽ phần nào được khắc phục, góp phần hạn chế bất công đối với nhóm người học có điều kiện kinh tế xã hội không thuận lợi.
Một đặc trưng quan trọng trong dạy học trực tuyến, đó là thiếu vắng sự tương tác tức thời trực diện. Trong không gian vật lí nhỏ hẹp của một lớp học truyền thống, giáo viên có thể huy động mọi giác quan để quan sát, ghi nhận phản ứng của người học một cách tinh tế nhất. Từ đó sẽ có thể lập tức điều chỉnh nhịp điệu hay cách thức dạy học sao cho phù hợp.

Trong môi trường trực tuyến, khả năng tri giác bị khoảng cách không gian hạn chế đáng kể, không nên kì vọng nhiều vào khả năng quan sát và điều chỉnh như trong lớp học tập trung. Thay vào đó, giáo viên hoàn toàn có thể chuyển đổi cách thức phản hồi cho người học bằng các phương tiện làm việc trực tuyến phù hợp.

Ví dụ, khi thiết kế câu hỏi trắc nghiệm tương tác, cần soạn luôn các lời phản hồi tức thời (feedback) cho từng phương án trả lời, giúp người học hiểu rõ khi chọn phương án đúng thì vì sao đúng, khi chọn phương án sai thì vì sao sai. Khi đó, mặc dù giáo viên không hiện diện đồng thời, nhưng thông điệp của giáo viên luôn có sẵn bên trong bài tập, tạo một cảm giác gần gũi, thân thuộc, gắn bó với người học. Điều đó rất có ích để giúp họ tìm thấy một mối liên hệ xã hội ngay bên trong bài giảng và bài tập mà thầy cô giao cho học và làm qua máy tính, góp phần phá vỡ tình trạng cô độc khi phải học trực tuyến.

- TN: Việc tạo ra động lực để giúp người học có khả năng tự học khi học từ xa là yếu tố quan trọng và không dễ thực hiện, ông có đề xuất nào với người đứng lớp?

- NTĐ: Một thực tế nhiều người đã nói đến là hiện nay ý thức và tinh thần tự chủ của người học có ít nhiều hạn chế, nên dạy học trực tuyến không hiệu quả. Tuy nhiên, một thực tế khác có lẽ ít người nhận thấy hơn, đó là nhà giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng đã làm đúng và làm đủ để đặt người học vào tâm thế học tập chủ động hay chưa?

Trong nhiều trường hợp, chính vì giáo viên chưa hiểu đúng về dạy học trực tuyến, chưa biết cách lựa chọn phương pháp và công cụ thích hợp, nên người học không hứng thú là điều hiển nhiên.

Ở góc độ người học, có thể có nhiều nhóm khác nhau. Với những người học tự thân không có mục đích, không có động lực, ngay cả khi dạy học tập trung chúng ta không giải quyết được thì đừng hi vọng dạy học trực tuyến làm thay được điều đó.

Điều quan trọng hơn là, trong dạy học tập trung, nhiều người học có tinh thần học tập tích cực, có tính tự chủ cao độ, thì thường xuyên bị gò lại theo nhịp điệu chung của cả lớp. Không gian bó hẹp và khung thời gian cố định của lớp học tập trung không cho phép họ được tự do linh hoạt phát huy tối đa thế mạnh và sở trường của mình. Một giáo viên biết dạy học trực tuyến sẽ có thể giúp cho nhóm người học này thăng hoa. Chính họ sẽ là nguồn tác động ngược trở lại thúc đẩy tinh thần học tập của cả lớp.

Lại cũng có những người học dù muốn học nhưng cá tính rụt rè, nhút nhát, hay có những trở ngại về tâm lí, hạn chế về kiến thức hoặc nhiều lí do khác nữa. Trong lớp học tập trung, họ thường có xu hướng co mình lại, ít biểu lộ, thậm chí tự ti, dễ hụt hơi hay căng thẳng vì không theo kịp tiến độ chung của cả lớp. Dạy học trực tuyến đúng nghĩa có thể giúp họ biệt hoá lộ trình học tập của mình, học chậm nhưng chắc nhờ cấu trúc phân đoạn học liệu linh hoạt, xem đi xem lại nhiều lần được, cùng các bài tập tự đánh giá ngắn kèm theo các phản hồi tức thời giúp họ hiểu rõ ngay từng bài học nhỏ.

Một yếu tố nữa là không ít giáo viên có xu hướng lo sợ rằng không có mình đứng ra trực tiếp giảng giải thì người học sẽ không thể hiểu bài. Điều này thể hiện quan điểm giáo viên là người nắm giữ kiến thức để truyền thụ cho người học, đặt họ vào tâm thế tiếp nhận hoàn toàn thụ động.

Trong thực tế giáo dục hiện đại nói chung, dạy học trực tuyến nói riêng, cần phải chuyển trọng tâm về phía người học. Cả trong biên soạn tài nguyên học liệu lẫn tổ chức hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá, giáo viên cần khuyến khích người học chủ động tương tác với kiến thức và với bạn cùng học, cho phép họ mắc sai sót trong quá trình học tập và tự học từ chính các sai sót đó. Một cách khách quan, khi giáo viên chưa bắt đầu một phương pháp dạy học tích cực thì không thể đòi hỏi người học phải tích cực học tập.

- TN: Cuối cùng, về phía cơ sở đào tạo theo ông cần đầu tư cơ sở hạ tầng ra sao để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn?

- NTĐ: Cơ sở hạ tầng tất nhiên là quan trọng, nhưng nói đến dạy học trực tuyến trước tiên cần nói đến phương pháp chứ không phải phương tiện kĩ thuật. Cho dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, mà giáo viên không nắm vững phương pháp thì sẽ không thể dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền. Trong khi đó, giáo viên nắm vững phương pháp thì sẽ có rất nhiều cơ hội thành công dù điều kiện máy móc kĩ thuật có những hạn chế nhất định.

Để giúp giáo viên nắm vững phương pháp dạy học trực tuyến, cần phải có một chương trình đào tạo hoàn chỉnh, bao quát đầy đủ các phương diện khác nhau từ biên soạn tài nguyên học liệu đến tổ chức hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá, bảo đảm chất lượng… Để có chương trình đào tạo hoàn chỉnh thì lại cần có chuẩn về năng lực ứng dụng công nghệ trong giáo dục dành cho giáo viên.

Theo tôi biết thì cho đến nay chưa có cơ sở giáo dục nào tại Việt Nam xây dựng được chuẩn năng lực công nghệ số dành cho giáo viên. Điều đó dẫn đến tình trạng là dù nhiều nơi vẫn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên nhưng vẫn chưa đủ về lượng và chưa đạt về chất.

Đào tạo giáo viên về ứng dụng công nghệ giáo dục không phải là hướng dẫn cho giáo viên cách mở công cụ này, cách bấm nút kia, cách bật chức năng nọ. Cái giáo viên cần học trước tiên là để biết vì sao phải dạy học trực tuyến, dạy học trực tuyến như thế nào, rồi sau đó mới lựa chọn công cụ thích hợp. Khi môi trường dạy học thay đổi, nếu không thay đổi phương pháp thì công cụ sẽ không giúp giải quyết được những trở ngại, rào cản về mọi mặt (không gian, thời gian, kĩ thuật, tâm lí, kinh tế-xã hội) để giúp đạt được kết quả giáo dục như kì vọng.

Về phương diện công nghệ, điều kiện hạ tầng viễn thông và Internet ở Việt Nam nhiều năm liền được xếp vào nhóm có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới. Đó là một cơ hội không hề nhỏ, dù sự phân bố hạ tầng chưa đạt được sự đồng đều rộng khắp trong cả nước. Nếu xác định được chuẩn năng lực ứng dụng công nghệ số trong dạy học của giáo viên, một cơ sở giáo dục sẽ hiểu rõ mức độ và lộ trình đầu tư vào hạ tầng công nghệ sao cho đồng bộ và hợp lí, để tạo ra tác động cộng hưởng, thay đổi thực sự chất lượng dạy học trực tuyến nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung./.

Thực hiện: Hà Ánh


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm